Quá trình hình thành và phát triển của TKV được chia thành ba giai đoạn lớn: Giai đoạn 1994-2005, hình thành và phát triển trong mô hình Tổng công ty 91; phát triển trong mô hình Tập đoàn kinh tế (2005-2013) và tái cơ cấu Tập đoàn gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững (2014-2024). Trong mỗi giai đoạn này, lại có những thời kỳ đánh dấu bước phát triển mang tính lịch sử, bước ngoặt của TKV.
Kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than
Ngày mới thành lập, TVN gồm 24 đơn vị thành viên, trong đó có 16 đơn vị sản xuất, kinh doanh và tám đơn vị sự nghiệp. Ngành công nghiệp than non trẻ phải đối mặt thách thức lớn khi thị trường than trong nước bị thu hẹp; nạn khai thác, kinh doanh trái phép hoành hành, các công ty than phải cắt giảm sản xuất; giá bán than trong nước thấp hơn giá thành, cân đối tài chính bấp bênh. Năm 1994, sản lượng than nguyên khai cả nước chỉ đạt bảy triệu tấn, các ngành phụ trợ như cơ khí, vật liệu nổ công nghiệp,... đều yếu, thiếu việc làm.
Lãnh đạo Tổng công ty đã xác định chiến lược "Xây dựng Tổng công ty thành Tập đoàn kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than", chọn thị trường là khâu đột phá, thống nhất quản lý thị trường tiêu thụ than và áp dụng các giải pháp tổng hợp kinh tế-hành chính nhằm đẩy lùi và xóa bỏ nạn khai thác, kinh doanh than trái phép, đồng thời chuyển dịch mạnh cơ cấu ngành nghề, phá thế "độc canh" than.
Trong quá trình hoạt động, TVN đã không ngừng hoàn thiện đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý theo hướng xóa bỏ cấp trung gian; tăng cường quản lý tập trung các khâu trọng yếu, các vấn đề mang tính chiến lược toàn ngành; tạo ra một mô hình Tổng công ty hoạt động hiệu lực và hiệu quả cao.
TVN đã hình thành một cơ chế hoạt động gần giống mô hình công ty mẹ - công ty con. Giai đoạn này, tấn than thứ 10 triệu trong kế hoạch tiêu thụ năm 1997 của TVN đã được rót xuống tàu Ocean Laurel của hãng Marubeni. Nhờ đổi mới cơ chế hoạt động, TVN đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998-1999, đến cuối năm 1999 đã lấy lại được thế cân bằng giữa sản xuất và tiêu thụ. Đây là yếu tố căn bản giúp TVN tăng trưởng cao trong sản xuất, kinh doanh và là tiền đề quan trọng hình thành tập đoàn kinh tế. TVN cũng là Tổng công ty 91 đầu tiên ở nước ta chuyển đổi thành công trở thành tập đoàn kinh tế.
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên ở nước ta được Chính phủ thí điểm thành lập. Cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập công ty mẹ TKV trên cơ sở hợp nhất Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, vốn điều lệ tại thời điểm 1/1/2005 là 3.550 tỷ đồng.
Từ ngày 1/7/2010, TKV chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005, gọi tắt là Vinacomin, vốn điều lệ 14.794 tỷ đồng. Đây là giai đoạn phát triển nhanh chóng về quy mô doanh nghiệp của TKV trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành trên nền công nghiệp than.
Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng các đợt khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực, TKV từng bước thoái vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, trở thành công ty mẹ có mô hình "quyền lực" mạnh nhất trong số các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia
Từ năm 2014 đến nay, TKV tái cơ cấu, phấn đấu trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, có cơ cấu hợp lý; tập trung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm 2007, ngành than đạt sản lượng vượt mốc 40 triệu tấn (42,2 triệu tấn), năm 2011 đạt mức cao nhất 45 triệu tấn. Tổng doanh thu than tăng gấp gần 135 lần, từ gần 1.300 tỷ đồng (năm 1994) lên 175.000 tỷ đồng (năm 2024).
Từ khi thành lập đến hết năm 2023, tổng lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 91.300 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng từ 778 tỷ đồng lên 40.900 tỷ đồng. Trong 30 năm xây dựng và phát triển, TKV đã nộp ngân sách nhà nước hơn 280.000 tỷ đồng.
Mặc dù mô hình Tổng công ty 91 trước đây và mô hình Tập đoàn kinh tế ở mỗi thời điểm đều mới mẻ ở nước ta nhưng TKV đã xây dựng và phát triển mô hình tổ chức quản lý sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhiệm vụ và đặc thù của ngành trong mỗi thời kỳ nhằm giải phóng và phát huy tối đa các nguồn lực, Công ty mẹ TKV nắm quyền chi phối và là trung tâm chỉ huy, điều hành, phối hợp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của toàn tập đoàn.
Thời gian tới, TKV định hướng xây dựng thành Tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, cơ cấu kinh doanh hợp lý; tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện, vật liệu nổ công nghiệp; mở rộng hợp tác và phát triển kinh doanh quốc tế; nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Theo đó, TKV xác định: "Thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở đi đôi với phát triển theo chiều rộng, tăng cường phát triển theo chiều sâu bằng cách áp dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại và đẩy mạnh chế biến sâu tạo ra các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trên nền sản xuất than-khoáng sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả".
Đối với than, chuyển từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, đi đôi với tận dụng tối đa khả năng khai thác lộ thiên ở những mỏ có điều kiện cho phép, tập trung phát triển các mỏ hầm lò công suất lớn, đưa cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại; hoàn thiện mô hình "Sản xuất và thương mại than"; nâng cao giá trị kinh doanh than theo hướng sản xuất tối đa các loại than chất lượng cao; khai thác cao nhất lợi thế của Tập đoàn, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong việc pha trộn than nhập khẩu và than sản xuất trong nước.
Đối với điện, định hướng phát triển các dự án điện theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với khoáng sản, khai thác và chế biến sâu một số khoáng sản có trữ lượng lớn, tiến tới hình thành ngành công nghiệp luyện kim đen-luyện kim màu quan trọng như sản xuất đồng kim loại, phôi thép, alumin-nhôm, titan, đất hiếm...
Đến năm 2030, TKV đặt mục tiêu sản lượng than thương phẩm từ 35 đến 40 triệu tấn; nhập khẩu than từ 15 đến 20 triệu tấn, tổng doanh thu tám tỷ USD. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2025-2030 khoảng 173.000 tỷ đồng; trong đó, khối công nghiệp than 60.000 tỷ đồng; công nghiệp khoáng sản 98.000 tỷ đồng; công nghiệp điện 5.000 tỷ đồng,...
Từ bài học kinh nghiệm 30 năm qua cho thấy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn tới, vượt qua khó khăn, thách thức, TKV phải đổi mới tư duy kinh doanh theo hướng: "Tiếp tục phát huy truyền thống "kỷ luật và đồng tâm", huy động sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị trong Tập đoàn, tuân thủ phương châm phát triển hài hòa với cộng đồng và xã hội" trên cơ sở đi đôi với phát huy tối đa các nguồn nội lực sẵn có; tập trung cao độ quản trị tài nguyên theo đúng vai trò "Tài nguyên-khoáng sản là nguồn lực nền tảng cho hoạt động kinh doanh của Tập đoàn" và là một trong hai nguồn lực để Tập đoàn đi lên giàu mạnh,...