Đánh giá nhu cầu xây dựng năng lực thực hành năng lượng bền vững

NDO - Ngày 18/12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) tổ chức Hội thảo Đánh giá nhu cầu về xây dựng năng lực thực hành năng lượng bền vững tại thành phố Đà Nẵng.
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo.
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo.

Đà Nẵng định hướng trở thành “Thành phố môi trường” giai đoạn 2021-2030 đã được xây dựng, trong đó phát triển năng lượng bền vững đóng vai trò quan trọng.

Theo kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ bổ sung 30 MW điện mặt trời mái nhà, phát triển 18 MW điện từ xử lý chất thải rắn, và khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Nhiều dự án đã được thành phố triển khai như: Lắp đặt 801 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 5.255 MWp; chuyển đổi đèn chiếu sáng công cộng sang LED; hỗ trợ lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời; thí điểm vận hành xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu này, thành phố cần sự tham gia tích cực từ cộng đồng, doanh nghiệp và cơ quan chính quyền trong việc chấp nhận, đầu tư, sử dụng và quản lý các công nghệ năng lượng bền vững.

Đánh giá nhu cầu xây dựng năng lực thực hành năng lượng bền vững ảnh 1

Điện năng lượng mặt trời được các doanh nghiệp, hợp tác xã, gia đình thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng Nguyễn Đình Phúc, Đà Nẵng có nhiều chương trình xây dựng nhà máy, điện năng lượng mặt trời, nhưng đến thời điểm này vẫn chỉ có điện mặt trời nhỏ của doanh nghiệp và gia đình thực hiện.

Việc phát triển năng lượng mặt trời vẫn còn có những hạn chế nhất định. Trong khi, nhu cầu sử dụng điện đang ngày càng tăng cao. Để sử dụng năng lượng một cách bền vững không chỉ từ nguồn điện mà còn cách sử dụng cân đối giữa sản xuất và sử dụng.

Vì vậy, tại hội thảo, đại biểu đã thông tin về nhu cầu nâng cao năng lực trong lĩnh vực năng lượng bền vững; khảo sát mức độ hiểu biết, thái độ và thực hành của đại diện chính quyền và doanh nghiệp về năng lượng bền vững.

Những thuận lợi và thách thức của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong việc phát triển năng lượng tái tạo cũng được chia sẻ. Đồng thời xác định các vấn đề và nhu cầu trong xây dựng năng lực thực hành năng lượng bền vững của người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Chương trình đánh giá nhu cầu về xây dựng năng lực thực hành năng lượng bền vững của người dân, doanh nghiệp và chính quyền tại thành phố Đà Nẵng nhằm hướng tới xây dựng các chiến lược can thiệp phù hợp, hiệu quả và góp phần cùng Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện kế hoạch 198/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.