Bộ phim do hãng hoạt hình DreamWorks và Paramount Pictures thực hiện, đã vượt qua ngưỡng 12 triệu USD tiền vé, chỉ sau chưa đầy hai tuần chiếu, và trở thành một trong những bộ phim mang bản sắc văn hóa Trung Hoa hấp dẫn nhất trong những năm gần đây.
“Kung Fu Panda” là câu chuyện về một chú gấu trúc béo ị và chỉ ham ăn tên Po. Thoạt đầu, Po làm chân chạy việc giúp cha trong tiệm mì của gia đình. Thế nhưng, một biến cố bất ngờ và lời tiên tri xa xưa đã khiến Po trở thành chiến binh được lựa chọn chiến đấu chống lại kẻ thù, báo tuyết Tai Lung, kẻ phản bội thầy dạy của chính mình. Po trở thành một võ sinh Kungfu, theo học chính những “thần tượng” của mình là sư phụ sóc Shifu, nhóm Ngũ quái huyền thoại Khỉ, Sếu, Rắn và Bọ Ngựa. Vì béo và ham ăn nên Po tập Kungfu rất khó khăn, cuối cùng cậu đã tự sáng tạo ra một trường phái võ cho riêng mình, dựa trên chính bộ dạng béo phì và tính ham ăn của mình. Bằng phái võ đặc biệt này, Po đã đánh thắng báo tuyết Tai Lung, bảo vệ sự bình yên cho thung lũng Hòa Bình.
Phim do các đạo diễn Mark Orsbone và John Stenvenson thực hiện, với các ngôi sao Angelina Jolie, Thành Long, Dustin Hopman, Jack Black và Lucy Liu tham gia lồng tiếng cho các nhân vật. Phim được lấy cảm hứng chính từ võ thuật Trung Quốc, cùng cảnh vật của thành phố Quế Lâm cũng như vùng thng lũng ven sông Lệ Giang. Tổng cộng cả phần vẽ tay và kỹ xảo ba chiều của phim phải làm trong ba năm ròng. Và kết quả thu lại từ bộ phim đã không làm uổng công các nhà sản xuất.
Hãng Paramount Pictures cho biết, khi được công chiếu rộng rãi trên thế giới, “Kung Fu Panda” đã thu về được 275 triệu USD. Thậm chí ở Malaysia, các nhà làm phim đã phát hành phiên bản lồng tiếng Quảng Đông để phục vụ số lượng đông đảo Hoa kiều ở đây. Các ngôi sao Hồng Công Thành Long, Trần Tổ Minh (con trai của Thành Long) và Trần Dịch Tấn, cùng các diễn viên, ca sĩ Hà Vận Thi, Hà Siêu Nghi và Lý Thánh Kiệt tham gia lồng tiếng cho phiên bản này.
Một số nhà phê bình Trung Quốc đã kêu gọi người xem phản đối bộ phim này do có liên quan đến đạo diễn Steven Spielberg (Steven Spielberg tham gia hãng phim DreamWorks), từng rút tên khỏi nhóm các nhà tư vấn nghệ thuật cho Olympic Bắc Kinh 2008 vì lý do chính trị.
Một nhóm nghệ sĩ khác do họa sĩ Triệu Bán Đình đứng đầu cũng kêu gọi khán giả Trung Quốc tẩy chay bộ phim do đã lợi dụng biểu tượng quốc gia. Triệu Bán Đình quê Tứ Xuyên, cũng là người chuyên sử dụng hình ảnh gấu trúc trong các tác phẩm của mình, nhưng sau đó bị báo giới phản đối vì sự lạm dụng thái quá này.
Thế nhưng, bất chấp những lời kêu gọi tẩy chay đó, ngay trong ngày đầu ra mắt “Kung Fu Panda” đã thu hút một lượng khán giả lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải và nhiều thành phố lớn khác. Khán giả Trung Quốc đặc biệt thích thú và ca ngợi chất lượng hình ảnh, màu sắc của bộ phim, cách mà các nhà làm phim thể hiện sự ngưỡng mộ đối với nền văn hóa cổ xưa của Trung Hoa, kiến trúc và cảnh vật của đất nước này.
Trước đây, bộ phim cũng bị hoãn chiếu tại Tứ Xuyên, nơi sinh trưởng lớn nhất của gấu trúc ở Trung Quốc, cũng là nơi vừa chịu thiệt hại nặng nề do trận động đất vừa qua. Một trong những lý do cho việc hoãn chiếu bộ phim là địa phương này vẫn đang trong thời gian phục hồi và tưởng nhớ những người thiệt mạng do trận động đất.
Nhiều tờ báo và các bloger ở Trung Quốc đang bày tỏ sự bất bình với kiểu tẩy chay vô lý đối với “Kung Fu Panda”, và đang đặt câu hỏi rằng tại sao các nhà làm phim nói chung và hoạt hình trong nước nói riêng lại bị các nhà làm phim nước ngoài qua mặt trong việc tạo ra những hình ảnh lâu đài, cung điện hấp dẫn và biến những biểu tượng dân tộc thành những hình ảnh được ưa chuộng ở Hollywood.
Sau khi bộ phim được công chiếu một tuần, nhiều giám đốc rạp chiếu phim cho biết, không còn thừa một chỗ ngồi nào trong mỗi suất chiếu.
Li Jiqing, người quản lý rạp Vương Phủ Tỉnh tại Thành Đô, thủ phủ của Tứ Xuyên cho biết: “Đây là bộ phim hoạt hình thành công nhất tôi từng thấy ở đây. Trước đây, chỉ có trường hợp của “Ma trận”, “Chúa tể những chiếc nhẫn” và “Cướp biển Caribe”. Ở Trung Quốc, một bộ phim bán được khoảng 15 triệu USD tiền vé đã được coi là cực kỳ ăn khách, còn thông thường chỉ xoay quanh tầm trên dưới 4 triệu USD, do nạn sao chép lậu vẫn còn hoành hành.
Một trong những phim có doanh thu lớn nhất tại Trung Quốc từ trước đến nay là “Transformers” (Cuộc chiến robot), với khoảng 42 triệu USD năm ngoái. Tuy nhiên năm nay, phim nào thu được nhiều lắm cũng chỉ 15 triệu USD.
Các nhà sản xuất Mỹ của “Kung Fu Panda” đang có mặt tại Quảng Tây đã ví đây là lời chào mừng gửi tới nền văn hóa Trung Quốc và điện ảnh Hồng Công. Tuy nhiên, tại Mỹ, “Kung Fu Panda” cũng đang dấy lên một cuộc tranh cãi mới khi các nhà phê bình Mỹ cho rằng, Hollywood đang cạn ý tưởng và ngày càng phải vay mượn nhiều từ những hình tượng của các nền văn hóa khác, nhiều nhất là châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.