Phát triển bền vững cây cà-phê vùng Tây Bắc

NDO -

Sau một thời gian đưa cây cà-phê ra vùng Tây Bắc, đến nay, loại cây trồng này đang phát huy được hiệu quả, giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, sản xuất cà-phê ở khu vực Tây Bắc vẫn còn manh mún và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất, chất lượng cà-phê nơi đây không ổn định.

Chế biến cà-phê tại HTX Cà-phê Bích Thao Sơn La.
Chế biến cà-phê tại HTX Cà-phê Bích Thao Sơn La.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, vùng Tây Bắc có diện tích trồng cà-phê là 21.124ha, tập trung ở hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.

Điểm sáng Sơn La

Hiện nay, ở Sơn La, cây cà-phê đã khẳng định vị thế là cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của tỉnh và mang lại thu nhập ổn định cho nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện đang trồng 20.000ha, sản lượng năm nay khoảng 40.000 tấn cà-phê nhân.

Tại Sơn La đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Cà-phê Bích Thao Sơn La Nguyễn Xuân Thao cho biết, hiện nay, các thành viên HTX đang duy trì sản xuất 60ha cà-phê với năng suất từ 12 tấn đến 15 tấn/ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết sản xuất với 800 hộ, diện tích hơn 1.500ha cà-phê. Đến nay, sản phẩm cà-phê của HTX với 95% xuất khẩu ra nước ngoài. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HTX đã chủ động chuyển hướng sang sản xuất cà-phê chất lượng cao và cà-phê đặc sản để phục vụ thị trường nước ngoài. Theo đó, quy trình sản xuất đều được thực hiện theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường.

“Cùng với đó, HTX cũng đã chủ động chuyển sang chữ ký số đối với toàn bộ các hoạt động giao dịch, mua bán… Do vậy, dịch Covid-19 không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Đặc biệt, vỏ cà-phê luôn là nỗi lo về môi trường sau mỗi vụ sản xuất, vì vậy HTX đã tiếp thu công nghệ mới để làm ra sản phẩm trà quả cà-phê với giá 1,5 triệu đồng/kg. Năm nay, dự kiến giá trị xuất khẩu của HTX ước đạt 40 tỷ đồng”, ông Nguyễn Xuân Thao cho biết thêm.

Để phát triển bền vững cây cà-phê trên địa bàn, tỉnh Sơn La đã triển khai nhanh, đồng bộ các quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu quốc tế. Đồng thời, kêu gọi đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước về sản xuất, chứng nhận, chế biến, xuất khẩu cà-phê.

Trên địa bàn đã hình thành các nhà máy, cơ sở chế biến cà-phê quả tươi, cà-phê nhân, chế biến sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị mặt hàng này. Đồng thời, từng bước xây dựng được liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng và thương mại cà-phê tạo vùng sản xuất hàng hóa.

Qua đánh giá, niên vụ cà-phê năm nay của Sơn La ước đạt 789.350 triệu đồng, chiếm 8,81% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm 66,2% giá trị sản xuất cây công nghiệp lâu năm.

Phát triển bền vững cây cà-phê vùng Tây Bắc -0
 Người dân tỉnh Sơn La chăm sóc cây cà-phê.

Thúc đẩy liên kết, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, thời gian qua, cây cà-phê vùng Tây Bắc đã và đang phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, cây cà-phê nơi đây đang từng bước thay thế cây ngô, sắn ở các địa phương.

Trong nhiều năm qua, việc phát triển cà-phê tại Sơn La đã tập trung được theo sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến; kỹ thuật sản xuất cà-phê từng bước được cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất và chế biến, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị và thu nhập của nhân dân.

Là năm thứ hai bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cà-phê được thuận lợi, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành và các huyện xây dựng kịch bản sản xuất, tiêu thụ cà-phê khi xảy ra dịch Covid-19 hay khi không có dịch.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La Hà Như Huệ cho biết, tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, huyện đối với việc tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói chung, tiêu thụ cà-phê nói riêng. Tại các huyện có diện tích cà-phê cũng đã xây dựng kế hoạch từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ cụ thể trong tình hình dịch bệnh. Do vậy, đến thời điểm này, việc tiêu thụ các sản phẩm từ cà-phê vẫn rất thuận lợi.

Trong niên vụ năm nay, cùng một số chính sách hỗ trợ phát triển, tiêu thụ cà-phê đã được ban hành trước đó, tỉnh Sơn La còn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn các hộ ký cam kết sơ chế sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm; thường xuyên cập nhật và cung cấp thông tin cho các đơn vị về tình hình thu hoạch nông sản, địa chỉ, số điện thoại; hướng dẫn, hỗ trợ các đơn vị trong thu mua, vận chuyển sản phẩm cà-phê trên địa bàn.

Ông Hoàng Văn Xôm, bản Sàng, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn (Sơn La), chia sẻ: “Gia đình tôi có 3ha cà-phê. Năm nay, cà-phê tiếp tục được giá. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng về đầu ra cho sản phẩm gia đình tôi không lo lắm vì đã ký kết với doanh nghiệp bao tiêu. Ngoài ra, UBND huyện và xã cũng đã thông báo và hướng dẫn chúng tôi khi dịch xảy ra thì sẽ đến các điểm tập kết, trung chuyển bảo đảm việc thu mua cà-phê được thuận lợi”.

Mặc dù vậy, sản xuất cà-phê ở vùng Tây Bắc hiện đang gặp những khó khăn do đất vùng trồng có độ dốc lớn, manh mún, xuất hiện sương muối theo chu kỳ 10 - 15 năm; diện tích cà-phê già cỗi nhiều, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến năng suất chất lượng; giá nhân công và vật tư tăng ảnh hưởng hiệu quả kinh tế.

Nhằm phát triển bền vững cây cà-phê vùng Tây Bắc, Cục Trồng trọt cho rằng, thời gian tới, các địa phương cần sử dụng 100% giống có năng xuất, chất lượng cao, chín đều, thích ứng biến đổi khí hậu trong tái canh và trồng mới; hoàn thiện kỹ thuật canh tác, thực hiện canh tác theo hướng GAP, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập và bảo vệ môi trường.

Mặt khác, cần tăng cường bón phân hữu cơ, bón phân vô cơ cấn đối, bón phân đạm vừa đủ; kiểm soát phun thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng; thực hiện chế độ tưới nước khoa học, hợp lý, tiết kiệm, tưới phun mưa, nhỏ giọt; đẩy mạnh trồng xen cây ăn quả như bơ, nhãn… vừa có giá trị kinh tế cao, vừa có tác dụng che bóng, chắn gió.