Bứt phá từ khởi nghiệp sáng tạo

Khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp luôn là một nguồn lực quan trọng của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với thế mạnh đó, việc hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đặc biệt phù hợp với các quốc gia có thu nhập trung bình.Việt Nam xác định đây là động lực chính để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp.

Bài 1: Động lực mới cho tăng trưởng

Qua hơn 10 năm, đến nay, Việt Nam đã có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. Mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo đã và đang phát triển tương đối năng động và hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái.

Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã dần hình thành, cùng với đó, các hỗ trợ ngày càng liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau, từng bước khẳng định vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trên trường quốc tế.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhất khu vực

Sau khi lấy bằng cử nhân kinh tế tại Học viện Tài chính, Nguyễn Văn Hùng bắt đầu công việc làm nhân viên tín dụng tại một ngân hàng. Từ đây, anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và được nghe họ kể về quá trình khởi nghiệp.

Những câu chuyện đầy cảm xúc đó, cộng hưởng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thử thách cái mới đã cháy lên ngọn lửa khởi nghiệp trong trái tim người thanh niên trẻ. Anh bắt đầu nuôi ước mơ trở thành doanh nhân thay vì tiếp tục công việc lối mòn của một nhân viên tín dụng.

Bước ngoặt đến với Hùng khi được đọc một tài liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới mô tả về những thành tựu công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0. Anh nhanh chóng bị thu hút bởi các công nghệ mới như AI, IoT, cloud và đặc biệt là in 3D để rồi đi đến quyết định khởi động dự án startup đầu tiên vào năm 2015.

Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, dự án phải dừng lại chỉ sau một năm hoạt động. Không nản chí, Hùng quyết định viết tiếp giấc mơ khởi nghiệp với việc thành lập Digman vào năm 2016.

Digman là một startup phát triển công nghệ in 3D chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam với các sản phẩm ứng dụng trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghiệp phần cứng… Một cách dễ hình dung nhất, Digman cung cấp cho đối tác các mô hình thật với tỷ lệ 1:1 được chuyển đổi từ file chụp CT, MRI để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh…

Trong ngành y tế, trước đây các sản phẩm định dạng 3D mô phỏng tình trạng tổn thương của các bệnh nhân phải đặt ở nước ngoài mất một tuần thì nay Digman có thể cung cấp chỉ trong vòng 20 giờ, tăng cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân vì rút ngắn được thời gian hội chẩn cũng như chữa trị.

Sau 8 năm phát triển, Digman đã trở thành đối tác tin tưởng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có cả những thương hiệu lớn như Vinfast. Có thể nói, dù chưa thể lột xác thành kỳ lân, nhưng đến thời điểm này Digman cũng đã tích góp đủ nội lực để duy trì và tiếp tục nuôi dưỡng cho những bước phát triển kế tiếp.

Quan trọng hơn, Hùng vẫn đang được sống với nghề và cống hiến cho đam mê của chính mình, không như phần lớn bạn bè cùng trang lứa đã phải sớm dừng bước trên con đường khởi nghiệp vì quá nhiều khó khăn.

Trẻ hơn Hùng vài tuổi, Phạm Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình không gian mạng (Cypeace) chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực rất mới và nóng là an toàn thông tin.

Với triết lý “Cyber Peace of Mind” (Bảo đảm an toàn thông tin trên internet cho mọi người), Mạnh và đội ngũ cộng sự đang nỗ lực từng bước xây dựng Cypeace thành doanh nghiệp hàng đầu của lĩnh vực an toàn thông tin trong nước cũng như khu vực châu Á; được công nhận rộng rãi bởi chất lượng và sự đổi mới sáng tạo.

Hiện Cypeace đã triển khai những dự án đầu tiên với các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có nội dung hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức Chương trình NIC Hackathon về Cyber Security (an ninh mạng) vào quý II/2024.

Hackathon này bao gồm các buổi nói chuyện chuyên đề về Cyber Security, cũng như tổ chức các Hackathon cho doanh nghiệp, sinh viên nhằm thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Digman và Cypeace là hai trong số gần 1.000 startup nhận được sự hỗ trợ của NIC trong nỗ lực thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam hoàn chỉnh hơn, qua đó, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Đồng hành với sự vươn lên của các startup, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC nhận định Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đang trong quá trình tự tạo ra những sản phẩm đổi mới sáng tạo của riêng quốc gia mình.

“Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều công nghệ mới, những ý tưởng đột phá Made in Vietnam trình diễn tại Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 diễn ra tại trụ sở mới của NIC ở Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng và mở ra những triển vọng hợp tác mới”, ông Vũ Quốc Huy nói.

Thúc đẩy cải thiện năng suất quốc gia

Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã hình thành, bao gồm đầy đủ các thành phần quan trọng: Các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ kinh doanh, vườn ươm, công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu và khởi nghiệp tại các trường đại học, viện nghiên cứu,…

Các thành tố trong hệ sinh thái chính sách, tài chính, văn hóa, thị trường, nhân lực và các hỗ trợ ngày càng có những liên kết khăng khít, tương tác và hỗ trợ nhau để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển cùng với sự dẫn dắt của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế...

Theo thống kê từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 3.800 startup, trong đó 11 startup được định giá hơn 100 triệu USD và 4 kỳ lân công nghệ (startup được định giá hơn 1 tỷ USD).

Tại Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năm 2023, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 46/132, tăng 2 bậc so với năm trước.

Đáng lưu ý, Báo cáo này cũng ghi nhận Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong 10 năm qua và là 1 trong 3 quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp, bên cạnh Ấn Độ và Cộng hòa Moldova.

Trong khi đó, một cuôc khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cho thấy, lĩnh vực hoạt động của các startup tập trung chủ yếu vào công nghệ thông tin và truyền thông; 20% doanh nghiệp cho biết cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới trên thế giới, 44% hoạt động ở thị trường nội địa.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được nhìn nhận là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Thay vì cách làm truyền thống, khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo dựng giá trị trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Đây là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và là động lực quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững của mỗi quốc gia, nhất là trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhờ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo phát triển mạnh mẽ những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực với các kỳ lân công nghệ được điểm danh như VNG, VNPay, MoMo, Sky Mavis.

WB trong Báo cáo Điểm lại phát hành tháng 4/2024 với chủ đề Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã chỉ ra, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể đóng vai trò là động lực tăng trưởng năng suất cho khu vực tư nhân ở Việt Nam.

Báo cáo cho biết năng suất của khu vực trong nước có thể tăng trưởng thông qua ba kênh chính, gồm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp hiện tại; tái phân bổ nguồn lực từ doanh nghiệp kém hiệu quả hơn đến doanh nghiệp hiệu quả hơn; cho phép các công ty có năng suất cao hơn (hầu hết là các công ty khởi nghiệp sáng tạo) tham gia và các công ty năng suất thấp rời khỏi thị trường.

Các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình phát triển có thể chuyển đổi mô hình sang các lĩnh vực kinh tế có hàm lượng tri thức và công nghệ cao hơn, có giá trị gia tăng cao hơn, được gọi là “sự phá hủy mang tính sáng tạo”.

Từ những phân tích nêu trên, ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia cao cấp khu vực tư nhân của WB tại Việt Nam nhấn mạnh, để đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 khi các động lực tăng trưởng truyền thống đang dần không còn nữa, Việt Nam cần thúc đẩy tăng năng suất trong khu vực tư nhân, nhất là thông qua hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Lợi thế về nhân lực trẻ là một trong những yếu tố quan trọng, là tiềm lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bên cạnh yếu tố hỗ trợ đến từ độ mở cao của nền kinh tế và hội nhập.

(Còn nữa)