Đèo Cả đang làm những việc gì?
Tập đoàn Đèo Cả là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Đèo Cả kiên định theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong “vòng tròn” năng lực với các hoạt động chính là đầu tư, Tổng thầu thi công xây lắp và quản lý vận hành các công trình hạ tầng giao thông.
Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư, thi công hoàn thành nhiều dự án theo phương thức đối tác công-tư (PPP) với mức đầu tư các dự án gần 60 nghìn tỷ đồng. Đèo Cả là đơn vị đang quản lý vận hành 6 hầm đường bộ và hơn 400km đường cao tốc và quốc lộ, doanh thu năm 2023 đến từ hoạt động quản lý vận hành đạt 345 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thi công, hiện Đèo Cả đang tổ chức thi công 20 gói thầu xây lắp tại các dự án đầu tư công như đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Chí Thạnh-Vân Phong, Khánh Hòa-Buôn Mê Thuột, Hà Giang-Tuyên Quang, Vành đại 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn nút giao Tân Vạn, sân bay Long Thành… với tổng giá trị xây lắp hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại hội nghị. |
Trong bối cảnh dư địa phát triển ngành giao thông Việt Nam rất lớn, Đèo Cả tăng cường kết nối nhà đầu tư, nhà thầu, đồng hành xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ liên quan đến hạ tầng giao thông.
Đến năm 2030, Tập đoàn dự kiến đầu tư khoảng 400km đường cao tốc, đường vành đai với tổng mức đầu tư hơn 94 nghìn tỷ đồng. Về mảng thi công xây lắp, dự kiến giai đoạn 2024-2026, với vai trò tổng thầu thi công, Đèo Cả sẽ đảm nhận khối lượng thi công xây lắp khoảng 31.000 tỷ đồng.
Về mảng vận hành, dự kiến giá trị O&M đến năm 2026 khoảng 574 tỷ đồng/năm và đến năm 2030 khoảng 957 tỷ đồng/năm.
Theo quy hoạch đường sắt của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam đầu tư 9 tuyến đường sắt với chiều dài 2.363km, giá trị khoảng 815 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, dự kiến đầu tư 600km tuyến metro tại 2 trung tâm kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có giá trị khoảng 50 tỷ USD.
Để đón đầu khối lượng công việc lớn trong thời gian tới, Tập đoàn Đèo Cả chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, tăng cường công tác an ninh, kiểm soát để tối ưu hiệu quả hoạt động, kết nối hợp tác để cộng lực nhiều doanh cùng tham gia thực hiện nhiều dự án.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, khẳng định: “Kế hoạch hoạt động của Tập đoàn Đèo Cả đã được hoạch định qua các chiến lược ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để duy trì “nhịp sống” của tổ chức và sự kết nối công việc nhằm tiếp tục chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm, thúc đẩy sự phát triển. Đối với đối tác và cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi xây dựng mối quan hệ chân thành, thân tình, chia sẻ cùng hiểu biết mới bắt đầu công việc. Đối với khối cơ quan nhà nước và các cơ quan khác, chúng tôi sẽ chứng minh năng lực thông qua kết quả công việc”.
Các đại biểu nghe thuyết trình mô hình quản lý tổng thầu của Đèo Cả. |
Chiến lược kết nối
Với tinh thần “muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Tập đoàn Đèo Cả đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đối tác, hợp lực để chủ động đảm nhận khối lượng công việc lớn tại các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Các doanh nghiệp đối tác sở hữu cổ phần của Đèo Cả để trở thành cổ đông, đồng thời là đối tác chiến lược của Tập đoàn để cùng tham gia đầu tư, thi công, quản lý vận hành các công trình giao thông, đồng thời, được hưởng cổ tức hằng năm.
Tập đoàn Đèo Cả sẽ đồng hành, hỗ trợ các đối tác trong đào tạo nhân sự, chuyển giao công nghệ, mô hình quản trị dự án, đầu tư thiết bị thi công-vật tư và hỗ trợ khi gặp khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện dự án.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Khương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần xây dựng công trình 568 (đơn vị liên danh với Đèo Cả tham gia dự án đường cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Hữu Nghị-Chi Lăng vừa khởi công) cho biết, quá trình hợp tác, Đèo Cả không những hỗ trợ nhiều mặt mà còn chỉ ra những điểm cần cải thiện, để từ đó đơn vị điều chỉnh và phát triển hơn. Hiện nay, Công ty 568 đang thực hiện các dự án với giá trị 7.000-8.000 tỷ đồng triển khai trong 2 năm tới. Công ty cam kết sẽ đồng hành có trách nhiệm nhất với các dự án mình tham gia.
Còn ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex cũng đánh giá, Tập đoàn Đèo Cả nhận định công việc chính xác, có những bước đi đột phá. Vinaconex tin rằng Đèo Cả sẽ có những bước tiến vượt bậc và hy vọng thời gian tới hai bên tiếp tục duy trì quan hệ phối hợp để ngành giao thông phát triển hơn nữa, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.
Ông Dương Ngọc Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội cũng bày tỏ, Đèo Cả với tinh thần kiên định, quyết liệt thực hiện dự án BOT giao thông đã trở thành hình mẫu thực tiễn rất sinh động. Đặc thù các dự án hạ tầng giao thông là tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn dài nên rất cần sự kiên định. Ở Tập đoàn Đèo Cả có 2 điểm khác biệt nổi bật là Chiến lược kết nối và mô hình PPP++ để chia sẻ được trách nhiệm và lợi ích với tất cả nhà đầu tư tham gia.
Để bảo đảm nguồn lực tài chính triển khai các dự án trong giai đoạn tới, Tập đoàn Đèo Cả đã ký các Thỏa thuận cấp tín dụng với các Quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Vietinbank,… thu xếp hạn mức hơn 33 nghìn tỷ đồng (trong đó hạn mức tín dụng trung và dài hạn 20 nghìn tỷ đồng và hạn mức tín dụng ngắn hạn 13 nghìn tỷ đồng).
Ông Dương Ngọc Quang, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội phát biểu tại hội nghị. |
Đối với hợp tác đầu tư, Đèo Cả phân cấp nhà đầu tư kèm theo các quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Nhà đầu tư “kiên định” tham gia ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, được trực tiếp tham gia đầu tư vào dự án và được hưởng các quyền lợi của nhà đầu tư theo quy định, được ưu tiên lựa chọn phạm vi thi công, đăng ký khối lượng thi công phù hợp với phạm vi tham gia và năng lực.
Nhà đầu tư “bắc cầu” tham gia từ giai đoạn đấu thầu dự án, góp vốn thông qua nhà đầu tư dẫn đầu, được ủy thác đầu tư thông qua hợp đồng BCC với Tập đoàn Đèo Cả, hưởng các quyền lợi theo thỏa thuận, nhận khối lượng tương ứng với tỷ lệ tham gia đầu tư vào dự án nhưng có giới hạn.
Nhà đầu tư “tiềm năng” tham gia từ giai đoạn thực hiện dự án, góp kinh phí theo cơ chế quản lý dự án với vai trò là nhà thầu, được xem xét tham gia đầu tư vào các dự án trong tương lai, được giao khối lượng thi công phù hợp với năng lực nhưng giới hạn đầu tư nhỏ hơn nhóm nhà đầu tư “bắc cầu”.
Tập đoàn Đèo Cả thực hiện các dự án theo mô hình PPP++. Theo đó, các nhà đầu tư, đồng thời có trách nhiệm và quyền lợi với vai trò nhà thầu xây dựng dự án.