Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn có 12 công ty nông, lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý, sử dụng đất với tổng diện tích khoảng 238.000 ha đất. Trong đó, hơn 163.000 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tính từ giai đoạn 2019-2023, ngành chức năng đã thực hiện lập phương án sử dụng đất; cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm. Đến nay, có 2 đơn vị hoàn thành việc lập phương án sử dụng đất, 5 đơn vị đã trình thẩm định; 10 đơn vị hoàn thành việc cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất.
Vướng mắc hiện nay trong công tác quản lý, sử dụng đất nông lâm trường hiện nay là hơn 1.100 ha đất tranh chấp, lấn chiếm. Ngoài ra, hơn 6.600 ha đất chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng.
Đại diện Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai báo cáo tại buổi giám sát. |
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, tỉnh có diện tích rừng và đất nông lâm trường lớn. Hiện nay, mô hình các nông lâm trường đã và đang bộc lộ những hạn chế đặc biệt trong quản lý, sử dụng đất.
Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới các sở, ngành, địa phương và chủ đất cần có các biện pháp hữu hiệu hơn để tăng cường công tác quản lý đất đai; hoàn thiện phương án sử dụng đất, thực hiện cắm mốc, làm hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giải quyết các vụ tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường đề nghị phân loại để giải quyết dứt điểm các vướng mắc. |
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Trưởng đoàn giám sát đánh giá, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý, sử dụng đất nhưng chưa phê duyệt được phương án quản lý sử dụng đất nông, lâm trường; diện tích đất chưa cấp giấy chứng nhận, tranh chấp còn nhiều.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, phân loại từng vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ. Đối với nội dung nào chủ đất, người dân kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết thì các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhanh chóng xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Riêng với những vấn đề vướng mắc do cơ chế chính sách thì kiến nghị rõ ràng, cụ thể quy định cần bổ sung, điều chỉnh. Qua đó, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp, kiến nghị các bộ, ngành và Quốc hội.
Trước đó, ngày 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông trường, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ giai đoạn 2019-2023 trên địa bàn huyện Xuân Lộc và Tổng Công ty cao-su Đồng Nai.