Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán

NDO -

Những ngày này, hồ Dầu Tiếng, hồ thuỷ lợi lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng nước ngọt lên đến 1,5 tỷ mét khối vẫn ngày đêm “xuôi dòng” tiếp cứu nguồn nước ngọt cho các tỉnh miền nam, phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp ở: Tây Ninh, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

0:00 / 0:00
0:00
Hồ Dầu Tiếng với trữ lượng nước rất lớn sẵn sàng tiếp trợ, xả nước đến những nơi hạn hán, nhiễm mặn ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An
Hồ Dầu Tiếng với trữ lượng nước rất lớn sẵn sàng tiếp trợ, xả nước đến những nơi hạn hán, nhiễm mặn ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Long An

Hạn hánxâm nhập mặn đang ở mức báo động. Các địa phương ở Nam Bộ như giải toả “cơn khát” khi tiếp cận nguồn nước từ thượng nguồn hồ Dầu Tiếng, qua đó giúp nhân dân ổn định hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hằng ngày.

Đẩy nước qua nội đồng giải tỏa “cơn khát” cho Long An

Chỉ vào cống xả chảy qua kênh tiêu Phước Hội-Bến Đình, ông Trần Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi miền nam cho hay, ngay sau khi tỉnh Long An công bố thiên tai hạn mặn khẩn cấp, cấp độ 4 độ rủi ro rất lớn, Công ty đã xả khoảng 7 triệu mét khối nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng về tỉnh Long An để tưới tiêu và tạo nguồn đẩy mặn, giữ ngọt trên sông Vàm Cỏ Đông. Nước ngọt về, bà con phấn khởi hơn, phần nào yên tâm, nhất là ổn định sản xuất và duy trì nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt…

Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán ảnh 1

Hệ thống cống xả của hồ Dầu Tiếng qua các kênh tiêu dẫn vào nội đồng phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Ghi nhận tại các cống xả, công nhân kỹ thuật liên tục vận hành hệ thống máy bơm để đưa nước qua các kênh mương, nhất là vào lúc hạn hán gần như lên đến đỉnh điểm.

Ông Hùng cho biết thêm, hiện mực nước hồ Dầu Tiếng ở cao trình 20,03m, thấp hơn năm 2023 là 0,78m và cao hơn trung bình nhiều năm là 0,14m. Tuy nhiên mực nước hồ cũng xuống trung bình từ 6-7cm/ngày. Đáng lo ngại, tình hình thời tiết hạn hán nắng nóng kéo dài không có mưa rất bất lợi, càng làm xu hướng triều cường và xâm nhập mặn vào sâu nên phải cần một nguồn nước lớn để pha loãng trong khi mực nước hồ thì ngày càng xuống thấp và cạn kiệt.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, đơn vị hồ Dầu Tiếng đã phối hợp các hồ chứa ở thượng nguồn Sông Bé để nắm bắt thông tin vận hành xả nước để chủ động chuyển nước từ hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng với tổng lượng nước dự kiến chuyển từ hồ Phước Hòa về hồ Dầu Tiếng trong mùa cạn năm 2024 khoảng 600 triệu mét khối để phục vụ đa mục tiêu về đời sống dân sinh, đặc biệt là ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.

Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán ảnh 3

Hệ thống cống xả trên hồ Dầu Tiếng.

Theo Ban lãnh đạo Hồ Dầu Tiếng, để xử lý vấn đề xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông nói chung và đẩy pha loãng mặn tại trạm bơm Hòa Phú cung cấp cho Nhà máy nước Tân Hiệp (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng như tỉnh Tây Ninh và Long An, từ đầu mùa cạn đến nay, ngoài lượng nước đã xả duy trì dòng chảy sau đập khoảng 300 triệu mét khối, hồ Dầu Tiếng đã xả tràn 8 đợt để đẩy, pha loãng mặn khoảng 55 triệu mét khối.

Ông Trần Quang Hùng nhận định, nếu khu vực miền Đông Nam Bộ không có trận mưa nào từ này đến giữa tháng 5, thì mực nước trên sông Sài Gòn sẽ là thời kỳ kiệt nhất trong năm, đồng nghĩa với việc mực nước sông sẽ xuống rất thấp, là điều kiện thuận lợi để nước biển mang theo độ mặn lấn sâu vào cửa sông. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc độ mặn luôn vượt ngưỡng cho phép tại trạm bơm Hòa Phú ngay cả trong kỳ triều kém.

Để xử lý vấn đề xâm nhập mặn nêu trên, từ nay đến hết 15/5, ngoài lượng nước phải xả duy trì dòng chảy sau đập thường xuyên, liên tục, Công ty sẽ tăng cường xả nước cắt đỉnh mặn với nhu cầu nước khoảng 90 triệu mét khối.

Phát triển chiến lược đa mục tiêu

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Tây Ninh chia sẻ, hồ Dầu Tiếng không chỉ cung cấp nước cho hoạt động sản xuất của tỉnh Tây Ninh mà còn các địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Long An. Bên cạnh đó, Dầu Tiếng cũng cung cấp nước cho đô thị, các khu công nghiệp của tỉnh. Nguồn nước thủy lợi từ hồ cung cấp trực tiếp và gián tiếp cho hầu hết diện tích của tỉnh Tây Ninh còn giúp tăng vụ sản xuất lúa, nuôi trồng thuỷ sản, thuỷ đặc sản giúp bà con nông dân sản xuất, nuôi trồng vô cùng thuận lợi…

Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán ảnh 4
Hệ thống điện mặt trời trên mặt hồ đã và đang phát huy hiệu quả qua đó cung cấp điện sạch cho sản xuất, công nghiệp.

Ông Xuân đánh giá, hồ Dầu Tiếng đã và đang góp phần thực hiện chiến lược đa mục tiêu cho địa phương. Hiện trong hồ Dầu Tiếng có 27 nghìn héc-ta mặt nước, trong đó có gần một nửa diện tích bán ngập. Đây là tài sản rất quý vì ngoài việc trữ nước, hồ có thể thực hiện nhiều mục tiêu sản xuất và phát triển kinh tế khác.

Trong đó thời gian qua, tỉnh Tây Ninh đã nhắm đến các mục tiêu, như phát triển hệ thống điện mặt trời ở trên mặt hồ. Hệ thống đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt như cung cấp điện sạch cho sản xuất, công nghiệp. Nguồn năng lượng sạch này rất phù hợp việc giảm phát thải CO2 theo cam kết với Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Bên cạnh đó, vị trí của hồ rất phù hợp khai thác tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái với không gian đẹp cùng diện tích rừng rất lớn và cây xanh bao quanh. Ngoài ra, hồ còn có thể phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản một cách tự nhiên và tạo ra sản phẩm có giá trị cao.

Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán ảnh 5

Nguồn năng lượng dồi dào từ các dự án điện mặt trời nằm trên hồ Dầu Tiếng rất phù hợp với xu hướng chung về giảm phát thải khí CO2.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi miền nam chia sẻ, để quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng phục vụ các nhu cầu, công ty đã phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, thành lập tổ kiểm tra độc lập kiểm tra giám sát chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong hồ; lấy mẫu phân tích chất lượng nước định kỳ hàng tháng, hàng quý tại các điểm giao nhận nước, các nhánh suối chảy về hồ và trên kênh chính.

Hồ Dầu Tiếng tiếp cứu nước ngọt cho Nam Bộ những ngày hạn hán ảnh 6

Ban Giám đốc thường xuyên kiểm tra kỹ thuật hệ thống cống xả.

Ngoài ra, Công ty còn triển khai thực hiện nhiệm vụ “Kiểm soát chất lượng nước hồ Dầu Tiếng phục vụ khai thác đa mục tiêu và ứng dụng công nghệ WebGIS quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn nước lưu vực Dầu Tiếng”. Phối hợp đơn vị chuyên môn khảo sát, đánh giá nguyên nhân hiện tượng tảo lam làm cho nước hồ có biểu hiện màu xanh, xảy ra vào thời kỳ giao mùa giữa mùa khô và mùa mưa để đưa ra các giải pháp khắc phục để bảo đảm môi trường chất lượng nước hồ Dầu Tiếng; phối hợp Viện Kỹ thuật Biển thực hiện Nhiệm vụ: “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp năm 2023”…