Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa

NDO - Ngày 26/8, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa” nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm chất thải nhựa đại dương, thúc đẩy các hành động giảm thiểu và ngăn chặn nhựa sử dụng một lần tại Vịnh Hạ Long.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa”. (Ảnh: UNDP Việt Nam)
Quang cảnh Hội thảo “Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa”. (Ảnh: UNDP Việt Nam)

Hội thảo có sự tham gia của ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh; đại diện Hội phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ninh, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, các đoàn thể tỉnh, UBND TP Hạ Long, Ban quản lý Vịnh Hạ Long, chính quyền phường Tuần Châu, các chủ tàu du lịch đang hoạt động tại Vịnh Hạ Long.

Tham dự hội thảo còn có bà Võ Quốc Thảo Nguyên, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Green Joy, một trong những đội đã giành chiến thắng trong cuộc thi “EPPIC 2020 - Thử thách sáng tạo giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa” được UNDP, Bộ Ngoại giao Na Uy và Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy tổ chức nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở Vịnh Hạ Long.

Quảng Ninh nổi tiếng là nơi được ban tặng tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan đa dạng với môi trường biển, đảo tuyệt mỹ, là sự lựa chọn ưu tiên số một của khách du lịch cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, theo ước tính của Dự án EPPIC 2020, khu vực Vịnh Hạ Long có đến 28.283 tấn chất thải nhựa được phát sinh ra mỗi năm, trong đó khoảng 5.272 tấn rác thải nhựa có thể bị rò rỉ ra đại dương. Ngoài gây ô nhiễm môi trường nước, suy giảm các hệ sinh thái, rác thải nhựa trôi nổi cũng ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch của khu di sản.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã mang đến những góc nhìn tổng quan về việc bảo vệ môi trường biển; chỉ ra vai trò của từng tổ chức trong nhiệm vụ chung hướng đến du lịch bền vững; chia sẻ các chính sách, hoạt động đã và đang triển khai tại địa phương nhằm giảm thiểu tác hại từ tàu du lịch đối với môi trường, đặc biệt là các giải pháp kịp thời trong việc giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần.

Phát biểu tại sự kiện, ông Patrick Haverman cho biết hội thảo là cơ hội để ủng hộ, vận động sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, các sản phẩm thay thế cho nhựa sử dụng một lần, trong đó có các sản phẩm từ cuộc thi EPPIC.

Chung tay vì một Hạ Long không rác thải nhựa ảnh 1

Các chủ tàu thuyền cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. (Ảnh: UNDP Việt Nam)

Nhấn mạnh điều khó khăn nhất khi chấm dứt đồ nhựa sử dụng một lần là tìm được vật liệu thay thế tốt, tiện lợi và giá cả phải chăng, Phó Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng bằng cách hành động đúng hướng, Hạ Long nói riêng và Việt Nam nói chung có thể trở thành một trong những địa phương đi đầu về tạo thay đổi trong phòng, chống rác thải nhựa. Ông khẳng định UNDP sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các công việc này, hướng tới một môi trường xanh và sạch.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển Vịnh Hạ Long” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chính phủ Na Uy tài trợ được triển khai từ đầu năm 2020. Qua hơn 2 năm thực hiện, dự án đã góp phần tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức, năng lực quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa vùng ven biển của cán bộ chính quyền, doanh nghiệp cũng như người dân địa phương.

Tại hội thảo, các chủ tàu tham quan du lịch tuyến tàu đêm trên Vịnh Hạ Long đã cam kết không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trên tàu của mình.

Bên cạnh đó, UNDP Việt Nam cũng giới thiệu tới mọi người ứng dụng “Săn Rác” (http://sanrac.undp.org.vn) - một ứng dụng điện thoại dùng để báo cáo và theo dõi tất cả các bãi rác tự phát, sai quy định tại Việt Nam. Người dùng có thể chụp ảnh và ghi lại thông tin trên ứng dụng về các điểm có rác sai quy định trên bản đồ “Săn Rác”, từ đó giúp chính quyền địa phương, các bên liên quan và người dân có thể xử lý kịp thời.