Thách thức trong giảm rác thải nhựa đại dương

Theo Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, chúng ta cam kết cắt giảm rác thải nhựa đại dương lần lượt là 50% và 75% vào năm 2025 và năm 2030. Mục tiêu này có thể là quá tham vọng nếu không thiết lập được lộ trình cụ thể, khả thi.
0:00 / 0:00
0:00
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại bến tàu công viên Bạch Đằng. Ảnh: WWF - VietNam
Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại bến tàu công viên Bạch Đằng. Ảnh: WWF - VietNam

Báo cáo "Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam" do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện từ tháng 7/2020 đến tháng 4/2021, công bố mới đây, cho thấy: Chất thải nhựa là loại phổ biến nhất thu gom được trong các khảo sát thực địa (chiếm khoảng 94% về số lượng và khoảng 71% về trọng lượng). Trong đó, rác bao bì thực phẩm mang đi là loại chất thải nhựa phổ biến nhất (chiếm 44% về số lượng), tiếp theo là chất thải liên quan đến nghề cá (33% về số lượng) và rác thải hộ gia đình (22% về số lượng). Phép đo Chỉ số bờ biển sạch (CCI), một công cụ để đánh giá mức độ sạch tương đối của bờ biển, cho thấy 71% số địa điểm ven biển được khảo sát là cực kỳ bẩn (CCI lớn hơn 20).

Cũng trong nội dung báo cáo, WB khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng một lộ trình cụ thể và khả thi để tiến tới loại bỏ dần các sản phẩm nhựa dùng một lần (SUP), mà không gây tác động tiêu cực đến các cơ sở sản xuất và cả người tiêu dùng.

Trên thực tế, chúng ta đã triển khai nhanh chóng và chủ động nhiều hành động cụ thể. Thí dụ, gần đây nhất, Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặt mục tiêu đến ngày 1/1/2026 sẽ ngừng sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước, cũng như nhập khẩu túi nhựa không phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm và độ dày dưới 50 µm. Nghị định này yêu cầu giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm SUP khác, cho đến khi tất cả bị cấm vào năm 2031. Ngoài ra, nghị định cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hạn chế phân phối và sử dụng SUP trong các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, và khu du lịch, bắt đầu từ năm 2025.

Để hiện thực lộ trình này cần có các sản phẩm thay thế nhưng vấn đề này đang gặp khó bởi giá thành các sản phẩm này thường cao hơn các sản phẩm SUP tương ứng. Do đó, việc khuyến khích các sản phẩm thay thế khác thông qua các chính sách và ưu đãi cũng như việc hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tái sử dụng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cắt giảm hơn nữa lượng sản phẩm SUP.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng dự báo về triển vọng phát triển hệ thống quan trắc ô nhiễm tại các địa phương giúp xác định 10 loại nhựa gây ô nhiễm hàng đầu. Sử dụng phương pháp viễn thám trong quá trình thực hiện báo cáo cũng giúp cho việc phát hiện, phân tích, đánh giá ô nhiễm nhựa trên sông tại một số thành phố ở Việt Nam. Nhờ vào việc phân tích những hình ảnh được chụp từ trên cao, có thể khảo sát một khu vực rộng lớn trong thời gian ngắn.

Thời gian tới, WB dự kiến chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ xã, phường tại các địa phương chủ động thực hiện. Đây là nguồn số liệu hữu ích góp phần vào việc thực hiện quan trắc rác thải nhựa trong dài hạn, cũng như thiết lập hệ thống dữ liệu cơ sở và đo lường tác động của các chính sách, chương trình trong các giai đoạn. Từ đó, hiện thực hóa các cam kết kéo giảm lượng rác thải nhựa đại dương.