Tăng trưởng kinh tế nhanh thúc đẩy nhu cầu của người dân Ấn Độ về hàng hóa, đi kèm với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, Ấn Độ lại thiếu một hệ thống bài bản nhằm quản lý rác thải nhựa, dẫn đến tình trạng xả rác tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Mỗi năm quốc gia gần 1,4 tỷ dân đã xả ra hàng triệu tấn rác thải nhựa. Trong khi đó, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt khoảng một phần ba.
Nhằm giải quyết phần nào tình trạng này, Ấn Độ đã chính thức áp dụng lệnh cấm nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần từ đầu tháng 7/2022. Theo đó, Ấn Độ cấm mọi hoạt động sản xuất, nhập khẩu và bán các vật dụng nhựa dùng một lần như ống hút, dao kéo, cốc… Lệnh cấm này không bao gồm những sản phẩm như túi nhựa có độ dày nhất định, bao bì đóng gói nhiều lớp… nhằm khuyến khích việc tái sử dụng.
Nhằm bảo đảm các nhà cung cấp hoặc phân phối nhựa tuân thủ quy định mới, các thanh tra viên của Ấn Độ sẽ tiến hành kiểm tra thường xuyên. Nếu bị phát hiện sai phạm, nhà cung cấp hoặc phân phối có thể lãnh án phạt lên tới 100.000 rupee (khoảng 1.265 USD) hoặc 5 năm tù giam. Trước đó, Chính phủ Ấn Độ đã quyết định thành lập các trạm kiểm soát nhằm ngăn chặn kịp thời việc bán, phân phối và sử dụng bất hợp pháp các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Các đồ nhựa sử dụng một lần cũng chiếm phần lớn rác thải tại nhiều bờ biển trên khắp Canada. Theo số liệu của Chính phủ Canada, có tới 15 tỷ túi nhựa được sử dụng mỗi năm và khoảng 16 triệu ống hút nhựa được sử dụng hằng ngày tại nước này. Do đó, vào tháng 12 tới, Chính phủ Canada sẽ cấm việc nhập khẩu hoặc sản xuất hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần như túi ni-lông, hộp đựng thức ăn, ống hút, dao...
Các sản phẩm này sẽ bị cấm bán vào cuối năm 2023 để các doanh nghiệp tại Canada có đủ thời gian để sử dụng hết nguồn dự trữ hiện có và chuyển sang các sản phẩm khác. Chính phủ Canada cũng sẽ cấm xuất khẩu các sản phẩm nhựa này vào cuối năm 2025.
Theo Bộ trưởng Môi trường và Biến đổi khí hậu Canada Steven Guilbeault (X.Gui-bâu), quy định mới này là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm ô nhiễm rác thải nhựa. Ông Guilbeault cho rằng, Canada cần các giải pháp mang tính bền vững hơn trong việc quản lý rác thải nhựa. Theo ông Guilbeault, ngoài lệnh cấm một số sản phẩm, việc ban hành quy định để các công ty sản xuất sử dụng những loại nhựa dễ tái chế cũng cần được thúc đẩy.
Trong khi đó, Nga có kế hoạch loại bỏ dần các sản phẩm và bao bì nhựa sử dụng một lần từ năm 2025. Phó Thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko (V.A-bram-chen-cô) nhận định, các loại bao bì, ống hút và hàng hóa bằng nhựa không thể tái chế, khó phân hủy cần phải được thay thế bằng các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Theo bà Abramchenko, quá trình loại bỏ này sẽ diễn ra theo nhiều giai đoạn, phụ thuộc vào công nghệ, vật liệu có thể áp dụng nhằm tạo ra các sản phẩm thay thế phù hợp.
Một số chuyên gia nhận định, việc thực thi lệnh cấm sản phẩm nhựa dùng một lần có thể gặp khó khăn, do nhà sản xuất nhựa, công ty thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng… cần thời gian, chi phí để chuẩn bị các mặt hàng thay thế. Nỗ lực cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần là một bước tiến, song những sản phẩm này chiếm không lớn trong tổng lượng rác thải nhựa xả ra môi trường. Do đó, cuộc chiến chống ô nhiễm rác thải nhựa cần các quyết định có trách nhiệm, mang tính ràng buộc hơn của các quốc gia; cũng như sự chung tay của cộng đồng quốc tế.