Chủ động phản ứng chính sách, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng

NDO - Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu một số nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn. (Ảnh: DUY LINH)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết như trên khi báo cáo Quốc hội về giải quyết những vấn đề nóng hiện nay mà đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 6/6.

Bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh

Phó Thủ tướng cho biết, trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường vàng như đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Theo đó, từ ngày 3/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6/2024, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6).

“Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống

Cũng theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, phát huy vai trò hệ thống cơ quan đại diện ở nước ngoài để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường theo các FTA đã ký. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)...

Cùng với đó, phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng, thực hiện tốt cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kịp thời có các giải pháp để bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Đối với vấn đề thương mại điện tử, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát các quy định pháp luật liên quan để sửa đổi đồng bộ, theo hướng bổ sung tiêu chí, chế tài quản lý, xử lý vi phạm; chú trọng bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân; kết nối dữ liệu giao dịch giữa các cơ quan quản lý nhà nước bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu phương án thành lập tổ chức giám sát và xây dựng hệ thống giám sát giao dịch thương mại điện tử; khuyến khích doanh nghiệp trong nước phát triển các nền tảng thương mại trực tuyến của Việt Nam.

Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết sẽ triển khai hiệu quả Quy hoạch, Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII; sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách mới về điện; bảo đảm an ninh năng lượng, không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống.

Chủ động phản ứng chính sách, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng ảnh 1

Các đại biểu dự phiên họp sáng 6/6. (Ảnh: DUY LINH)

Nội dung nữa được Phó Thủ tướng đề cập là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp đường sắt cao tốc; khai thác, chế biến một số loại khoáng sản chiến lược; nghiên cứu phát triển, ứng dụng vật liệu mới; công nghiệp chip bán dẫn; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp nội dung số, dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao.

Có các cơ chế thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, nội địa hóa, phát triển chuỗi giá trị trong nước. Tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp FDI mở rộng hệ thống nhà cung cấp nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng.

Ưu tiên nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Chia sẻ với ý kiến đại biểu Quốc hội về những khó khăn, hạn chế đang là rào cản đối với phát triển văn hóa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Quốc hội tiếp tục quan tâm, sớm quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 để triển khai thực hiện.

Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, coi đây là lĩnh vực kinh tế quan trọng. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho các ngành văn hóa, thể thao. Rà soát, có các cơ chế, chính sách từ tuyển chọn, đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, sắp xếp đối với các lao động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, thể thao đỉnh cao; tôn vinh đúng mức tài năng, đóng góp, cống hiến đỉnh cao.

Có chính sách dài hạn để đào tạo lại, phát triển các vận động viên, nghệ sĩ tài năng tham gia công tác giảng dạy, huấn luyện, nghiên cứu, phân tích, phê bình, lý luận... Quy hoạch, huy động hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở, cấp vùng, cấp quốc gia, có các cơ chế khai thác - vận hành bảo đảm hiệu quả.

Với quan điểm: “Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn”, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 về phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 08 chỉ đạo cụ thể Bộ, ngành, địa phương giải quyết khâu yếu mà đại biểu Quốc hội chỉ ra là liên kết ngành, liên kết vùng và địa phương để tạo ra động lực mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; thúc đẩy liên kết giữa các ngành dịch vụ với du lịch (vận tải - lưu trú - tiêu dùng - y tế - giáo dục - sự kiện- thể thao), gắn phát triển du lịch với văn hóa, đời sống; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài; tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch (đặt phòng, dịch vụ, visa điện tử, quảng bá, thanh toán); liên kết tour - tuyến, phát triển các tuyến du lịch theo chuỗi điểm đến phong phú; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại phục vụ du lịch; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, mến khách.