Tham dự phiên chất vấn có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy ; Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn. (Ảnh: DUY LINH) |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố khoá 16 thực hiện theo Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân và Đề án số 15 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn”.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc. (Ảnh: DUY LINH) |
Đến nay, thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã và toàn bộ 382 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, giá trị, hiệu quả. Hạ tầng kinh tế, xã hội khu vực nông thôn đã được thành phố quan tâm, tập trung đầu tư. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được,việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố còn một số hạn chế, khó khăn, bất cập chưa có nhiều kết quả rõ nét; chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Trên cơ sở Chương trình giám sát năm 2023 của Hội đồng nhân dân thành phố và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong khuôn khổ thời gian của phiên chất vấn, Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất lựa chọn nhóm vấn đề “việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố” là nội dung chất vấn tại phiên họp tháng 5/2023 để đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện; xác định rõ các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của các cấp, các ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó đề ra lộ trình, giải pháp hiệu quả, khả thi trong thời gian tới - đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: DUY LINH) |
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ rõ trên địa bàn thành phố nhiều diện tích đất nông nghiệp nằm trong phạm vi triển khai các dự án phi nông nghiệp, nhưng dự án chưa thực hiện, chưa tiến hành giải phóng mặt bằng, người nông dân giữ đất chờ dự án, không quan tâm đến sản xuất hoặc tình trạng người dân không mặn mà với đồng ruộng để đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Toàn thành phố vẫn còn hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang, hơn 4.000ha đất canh tác không hiệu quả, chỉ làm một vụ hoặc canh tác mang tính tận dụng.
Các đại biểu cũng cảnh báo tình trạng xuất hiện rất nhiều mô hình nông nghiệp nhưng lại không sản xuất, biến tướng thành điểm du lịch, nơi nghỉ dưỡng và yêu cầu các địa phương làm rõ trách nhiệm trong quản lý, xử lý...
Hà Nội có 58,9% diện tích nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng xanh, có một nền nông nghiệp có giá trị sản xuất gần 2 tỷ USD. Thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm.