Bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải đối với thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh
Sáng 10/11, phát biểu tại buổi thảo luận của Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là về cập nhật những tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đại biểu ủng hộ dự án luật đã bổ sung khái niệm Phương tiện giao thông thông minh tại khoản 15 Điều 3 dự thảo Luật. Điều này là hợp lý và cần thiết vì ở một số quốc gia tiên tiến, xe tự lái đang bắt đầu đạt đến mức hoàn thiện và được vận hành ngoài đường và như vậy là phù hợp với sự phát triển của khoa học-công nghệ và xu hướng trên thế giới.
Tuy vậy, đại biểu cho rằng việc định nghĩa “Phương tiện giao thông thông minh” trong dự thảo luật hiện nay cần được làm rõ ràng hơn. Cụ thể, về phương tiện nào là phương tiện giao thông thông minh, được định nghĩa là “phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa nhiệm vụ lái xe và tự xử lý các tình huống, đồng thời xác định lộ trình khi tham gia giao thông”.
Định nghĩa này chưa xác định rõ là phương tiện thông minh đến mức nào thì mới được coi là phương tiện thông minh. Trong thực tế, nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới đã chia phương tiện thông minh theo từng mức độ tự động hóa khác nhau, để phân biệt giữa phương tiện giao thông thông minh với phương tiện truyền thống, và cả giữa các cấp phương tiện giao thông thông minh khác nhau.
Do đó, đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung định nghĩa tại khoản 15 Điều 3 thành “Phương tiện giao thông thông minh là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phép tự động hóa một phần hoặc hoàn toàn”.
Quang cảnh buổi thảo luận tổ tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Ngoài ra, định nghĩa trên cũng chưa thể hiện được việc phương tiện tự lái có bắt buộc phải có tài xế trong phương tiện hay không. Hiện nay, các nhà sản xuất xe ô-tô trên thế giới đang hướng tới việc phát triển những phương tiện có thể tự động hóa hoàn toàn, không cần phải có người lái xe ngồi trong xe khi xe di chuyển.
Đại biểu cho rằng loại xe này sẽ sớm xuất hiện trong tương lai, và hiện nay cơ quan quản lý giao thông vận tải ở một số nước tiên tiến trên thế giới đã đưa ra chế tài cấp phép thử nghiệm cho những loại xe như vậy.
Do vậy, để nâng cao tính bền vững của quy phạm pháp luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc quy định thêm về phương tiện giao thông thông minh có thể được vận hành mà không có người lái ngồi trong xe.
Về thẩm quyền cho phép thử nghiệm phương tiện giao thông thông minh, trong dự thảo Luật hiện nay chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền trong việc xử lý và quản lý những đề xuất về thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống giao thông thông minh
Sự thiếu sót này có thể dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển phương tiện giao thông thông minh trong tương lai. Do đó, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét, bổ sung vào Điều 79 dự thảo luật nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc xử lý và quản lý các đề xuất về nghiên cứu phát triển, thử nghiệm, thí điểm phương tiện giao thông thông minh.
Ngoài ra, đại biểu Yên cũng đề xuất thiết kế bổ sung vào trong luật những quy tắc chung về việc bảo đảm an toàn và trách nhiệm khi xảy ra tai nạn trong quá trình thử nghiệm. Quốc hội cũng có thể giao Chính phủ quy định chi tiết các điều kiện thử nghiệm, để cơ quan quản lý có thể có sự linh động trong quá trình quản lý, phù hợp với tình hình thực tế của sự phát triển công nghệ.
Về yêu cầu người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông, hiện nay, ở Điều 49 (điểm d) của dự thảo luật đang quy định về việc khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Tuy nhiên, cần cân nhắc thêm việc áp dụng quy định này đối với phương tiện giao thông thông minh. Vấn đề ở chỗ là, hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có gói bảo hiểm cho các phương tiện giao thông thông minh vì những phương tiện này quá mới mẻ, chưa vận hành đại trà.
Do đó, tài xế phương tiện giao thông thông minh hầu như không thể có được chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với phương tiện của mình. Thay vào đó, họ chỉ có thể có giấy chứng nhận bảo đảm đền bù, được bảo lãnh bởi một bên thứ ba.
Từ thực tế đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra cần rà soát quy định này, để tài xế phương tiện giao thông thông minh cần mang theo những loại giấy tờ cho phù hợp với thực tiễn vận hành, khai thác loại hình phương tiện đặc thù và vô cùng mới mẻ, độc đáo này.
Vận tải hành khách cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) phát biểu tại buổi thảo luận tổ tại Tổ 6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Góp ý về vấn đề giám sát hành trình đối với phương tiện kinh doanh vận tải, đại biểu Nguyễn Sỹ Quang (Đồng Nai) cho rằng, xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bởi nếu tai nạn giao thông xảy ra đối với các phương tiện này sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng của người dân.
Theo thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ, trong đó nhiều vụ tai nạn liên quan xe kinh doanh vận tải hành khách gây thương vong lớn, như gần đây nhất là vụ tai nạn xe khách ngày 30/9 tại Đồng Nai làm chết 4 người, bị thương 5 người; vụ tai nạn xe khách ngày 31/10 tại Lạng Sơn làm chết 5 người, bị thương 9 người... Đại biểu nhấn mạnh, chúng ta không thể thờ ơ vô cảm trước thực trạng hết sức thương tâm này.
Chính phủ và các ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn liên quan đến xe khách; cùng với đó, đã nhận diện ra nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này, theo phân tích của Bộ Công an là hơn 70% liên quan đến vi phạm về tốc độ và cũng đã có giải pháp cụ thể.
Một trong những giải pháp quan trọng là các loại phương tiện này bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông dữ liệu với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, vì vậy nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, có trường hợp vi phạm tốc độ hơn 300 lần/tháng nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực, đại biểu cho rằng đã có thể ngăn chặn được và không để xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua.
Do đó, đại biểu bày tỏ thống nhất cao về sự cần thiết quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Việc giám sát này giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện giám sát thực để kịp thời đình chỉ ngay, xử lý ngay những trường hợp vi phạm xảy ra, lái xe vi phạm có thể gây tại nạn cho hành khách hoặc người tham gia giao thông; đồng thời, xử lý kịp thời các lỗi vi phạm khác.