Theo Bộ Công an, thời gian qua, chưa có cơ chế để loại trừ trách nhiệm hình sự đối với rủi ro trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới để đáp ứng yêu cầu về đổi mới, sáng tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, Đảng ta chỉ rõ cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn nhân lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; đồng thời, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng các nguồn lực, khuyến khích, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề mới thực tiễn đặt ra, có chính sách miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan.

Kỷ nguyên số và Nghị quyết 57: Bản đồ chiến lược cho Việt Nam vươn tầm thế giới
Do đó, trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ Công an đề xuất doanh nghiệp, cá nhân tuân thủ đúng quy định, phòng ngừa rủi ro nhưng vẫn gây ra thiệt hại khi thực hiện mô hình kinh doanh mới thì không phải là tội phạm.
Cụ thể, Điều 25 dự thảo Bộ luật quy định: hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ và mô hình kinh doanh mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Tuy nhiên, người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Long, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Long, thành phố Hải Dương đánh giá, đề xuất này mang lại những tín hiệu khả quan với doanh nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số hiện nay, khuyến khích các mô hình kinh doanh mới phát triển, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế.
Theo ông Long, nếu cứ ràng buộc quá chặt về pháp lý đối với những sáng kiến mới, có thể bóp nghẹt sự sáng tạo và khiến doanh nghiệp e dè, không dám thử nghiệm những giải pháp đột phá, đặc biệt trong triển khai những dự án, mô hình kinh doanh mới.
Nghị quyết 57-NQ/TW yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh tư duy không quản được thì cấm, mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế thí điểm có kiểm soát. Do đó, các cơ quan khi soạn thảo văn bản pháp luật, không nên đặt thêm quá nhiều điều kiện kinh doanh hay các hành vi bị cấm sẽ khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam, kìm hãm tinh thần đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Đồng thời, ông Long cũng bày tỏ mong muốn có những quy định rõ ràng hơn về các khái niệm "thế nào là mô hình kinh doanh mới" hay "áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa" để doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ hơn về nội dung này, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp tránh gây thiệt hại. Cùng với đó, đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cho chuyên gia công nghệ, tăng cường đơn giản hóa thủ tục hành chính và hỗ trợ đào tạo nhân tài công nghệ số.
![]() |
Luật sư Lê Thị Thu Hà, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Sao Sáng. Ảnh: THU HẰNG. |
Theo luật sư Lê Thị Thu Hà, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Sao Sáng (Đoàn Luật sư Hà Nội), đề xuất của Bộ Công an là phù hợp với nội dung của Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo hướng quán triệt tinh thần dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân vào công cuộc đổi mới sáng tạo; đồng thời khuyến khích xây dựng, vận hành các mối quan hệ kinh tế, sản xuất trao đổi, thông thương,… để hình thành, xây dựng mô hình kinh doanh mới.
Luật sư Thu Hà chỉ ra, các mô hình kinh doanh mới thường có nguy cơ đi kèm với những rủi ro chưa từng có tiền lệ, trong đó có rủi ro pháp lý. Vì vậy, nếu không có cơ chế bảo vệ phù hợp, những cá nhân hoặc tổ chức thực hiện các mô hình kinh doanh tiên phong không dám bước ra khỏi vùng an toàn, tâm lý sợ hãi, lo lắng trách nhiệm hình sự sẽ kìm hãm tư duy sáng tạo đột phá.
Nếu không có cơ chế bảo vệ phù hợp, những cá nhân hoặc tổ chức thực hiện các mô hình kinh doanh tiên phong không dám bước ra khỏi vùng an toàn, tâm lý sợ hãi, lo lắng trách nhiệm hình sự sẽ kìm hãm tư duy sáng tạo đột phá.
Luật sư Lê Thị Thu Hà, Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Sao Sáng
Cũng theo luật sư Thu Hà, quy định này phù hợp “quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” được quy định tại Điều 33 Hiến pháp 2013. Nội dung sửa đổi thể hiện rõ quan điểm tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thuần túy; đồng thời đề cao tính chủ động trong tự kiểm soát, phòng ngừa của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện mô hình kinh doanh mới, thể hiện tư duy cởi mở của nhà làm luật trước sự vận động nền kinh tế số, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, luật sư Thu Hà cũng lưu ý, cần đề phòng cảnh giác với một số cá nhân, tổ chức lợi dụng kẽ hở để trục lợi hoặc né tránh trách nhiệm hình sự. Đề xuất này nếu được thực hiện cần đi kèm các tiêu chí cụ thể và minh bạch.