Cần có giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng

NDO - Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng

Sáng 1/11, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho rằng mặc dù kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Theo đại biểu, nguyên nhân là do suy giảm đơn hàng, không có thị trường tiêu thụ, doanh nghiệp lâm vào tình cảnh cạn kiệt nguồn vốn, sản xuất cầm chừng.

Sự chậm trễ kém hiệu quả trong việc thực thi chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn của một số bộ, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ công chức né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm, không quyết định những công việc thuộc thẩm quyền đã đẩy doanh nghiệp lâm vào tình cảnh ngày càng khó khăn.

Đại biểu dẫn chứng trong 9 tháng đầu năm 2023, cứ 10 doanh nghiệp gia nhập có đến 8 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nhất là thời điểm cuối quý I năm nay, lần đầu tiên xảy ra tình cảnh số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp mới tham gia và quay trở lại thị trường.

Bình quân trong quý I có khoảng 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng, trong khi có gần 20.100 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

 Cần có giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng ảnh 1

Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù, chính sách đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu.

Ngoài ra, cần hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực.

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói tín dụng ưu đãi.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương cần dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch, nhanh chóng thực thi các giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.

Cần có khung khổ pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) bày tỏ quan tâm về nội dung đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025...

 Cần có giải pháp bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng ảnh 2

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (đoàn Hà Giang) phát biểu ý kiến. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về phát triển năng lượng tái tạo Hydrogen và năng lượng Amoniac xanh, đại biểu cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đó là, quyết liệt triển khai Chương trình hành động thực hiện các cam kết, tuyên bố chính trị về chuyển đổi năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo Hydrogen.

Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, đại biểu Chinh cho rằng, đây sẽ là một định hướng chiến lược mang tính đột phá trong thời gian tới, trong điều kiện nước ta có tiềm năng, lợi thế rất lớn về năng lượng tái tạo.

“Đây cũng là xu hướng của thế giới, khi đã có tới khoảng 40 quốc gia xây dựng chiến lược Hydrogen với khoảng 500 dự án quy mô, giá trị lớn”, đại biểu cho biết thêm.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Hà Giang cho rằng quyết tâm chính trị thôi chưa đủ, cần có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo rà soát, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, trong đó có Chương riêng quy định về năng lượng tái tạo Hydrogen và năng lượng Amoniac xanh.