Tránh tình trạng thiếu điện - Cần các giải pháp quyết liệt, thiết thực

NDO - Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Quy hoạch Điện VIII đã thỏa mãn được yêu cầu phác họa tương lai của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực để hiện thực hóa được các mục tiêu đề ra. Nếu không, việc thiếu điện sẽ là hiện hữu.
0:00 / 0:00
0:00

Chia sẻ tại Hội thảo: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023” diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS, TS. Ngô Trí Long cho biết, điện là một mặt hàng có tính đặc thù, là hàng hóa thiết yếu, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của nền kinh tế-xã hội của đất nước, rất quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng. Do đó, giá điện luôn được xã hội quan tâm.

Giá điện vẫn là điểm nghẽn

Ở nước ta, điện là ngành độc quyền, giá do Nhà nước quy định. Dù định hướng theo cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn có sự điều tiết của Nhà nước theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg (Quyết định 24) ngày 30/6/2017 (có hiệu lực từ ngày 15/8/2017) của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo Quyết định 24, nguyên tắc điều chỉnh giá bán điện bình quân (tăng/giảm) sẽ căn cứ vào kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hàng năm, nếu giá các thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối-bán lẻ điện, điều hành-quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) có biến động (tăng hoặc giảm) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất, và việc điều chỉnh phải thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Từ thời điểm Quyết định 24 có hiệu lực, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh 3 lần (lần 1 vào ngày 1/12/2017, lần 2 vào ngày 20/3/2019, và lần 3 vào ngày 4/5/2023 với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tăng 3% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành).

Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, trong 2 năm 2020 và 2021, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã thực hiện 5 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện đối với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bao gồm người dân, doanh nghiệp và các cơ sở cách ly y tế, cơ sở điều trị Covid-19.

Theo báo cáo của EVN, tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt lên tới 16.950 tỷ đồng. Nhìn chung, các năm 2020-2021, EVN hoạt động ổn định và có lợi nhuận.

Tuy nhiên, năm 2022, do sự biến động tăng đột biến của giá nhiên liệu (giá than, khí, dầu). Mặc dù EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên quyết liệt thực hiện các giải pháp nội tại để giảm chi phí, tuy nhiên trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao do tác động của giá nhiên liệu tăng đột biến, giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 chưa được điều chỉnh kịp thời đã làm kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN lỗ 26.462,68 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh giá nhiên liệu nhập khẩu tăng cao, nguồn thủy văn hạn chế đã khiến chi phí đầu vào của ngành điện tăng cao. Chính vì vậy, mặc dù trong 2 năm 2020 và 2021, ngành điện kinh doanh tương đối ổn định và có lợi nhuận, nhưng riêng năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân là do giá đầu vào tăng, trong khi đó giá bán điện vẫn phải kiềm chế để giữ ổn định”, ông Long phân tích.

Tránh tình trạng thiếu điện - Cần các giải pháp quyết liệt, thiết thực ảnh 1

Diễn biến giá một số loại năng lượng có ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất điện của Việt Nam từ tháng 1/2019 đến tháng 5/2023. (Nguồn: World Bank)

Chuyên gia này cho rằng, Quy hoạch Điện VIII đã thỏa mãn được yêu cầu phác họa tương lai của hệ thống điện Việt Nam, nhưng vẫn cần các giải pháp quyết liệt, cụ thể, thiết thực để có thể hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. Nếu không, việc thiếu điện sẽ là hiện hữu.

Nêu rõ giá điện vẫn là điểm nghẽn, PGS, TS. Ngô Trí Long cũng nhấn mạnh giá điện là yếu tố quyết định mức độ hấp dẫn đầu tư vào ngành điện, do đó cần cải cách giá điện để thu hút được vốn đầu tư.

Trong chuỗi giá trị của ngành điện, gồm sản xuất-truyền tải-phân phối, khu vực tư nhân chủ yếu tham gia khâu sản xuất điện (chiếm khoảng 70% chi phí cung cấp điện). Lợi nhuận của sản xuất điện được quyết định bởi 2 yếu tố là giá điện và sản lượng điện thông qua thời gian vận hành công suất cực đại.

Ở khâu truyền tải điện, dù Luật Điện lực sửa đổi năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/3/2022, nhưng tới nay đã hơn 1 năm, vẫn chưa có nghị định hướng dẫn để xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực này. Ông Long chỉ rõ, vướng mắc chính cũng là giá truyền tải quá thấp nên khó khuyến khích được tư nhân đầu tư truyền tải đơn thuần.

Bên cạnh đó, tổn thất điện năng khâu truyền tải còn cao, tác động khá lớn đến giá truyền tải. Do đó, việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp mới để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống mức hợp lý phải là mục tiêu ngành điện hướng đến nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh, giảm giá thành truyền tải điện.

Giá điện thấp cũng là "con dao 2 lưỡi"

Chuyên gia kinh tế này cũng nêu thực trạng, cơ chế giá điện hiện chưa hợp lý, bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả vẫn cao hơn giá điện sản xuất của các doanh nghiệp, trong đó chiếm số lượng lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một bất cập đã được nhắc đến từ nhiều năm nay nhưng chưa được xem xét, sửa đổi.

“Các ý kiến cho rằng chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái”, PGS, TS. Ngô Trí Long cho biết.

Theo ông Long, giá điện thấp cũng là "con dao 2 lưỡi". Giá điện thấp lại nằm ở khu vực sản xuất, nơi EVN thực hiện nhiệm vụ chính trị bán điện cho sản xuất với giá thấp nhằm tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa và thu hút đầu tư với nhân công rẻ và giá điện rẻ, từ đó đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, mặt trái đó là giá điện thấp dẫn tới việc sử dụng lãng phí, không tiết kiệm. Đặc biệt với các doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ cũ tốn điện. Bên cạnh đó, giá điện thấp cũng khó có thể thu hút được nhà đầu tư vào thị trường này.

Tránh tình trạng thiếu điện - Cần các giải pháp quyết liệt, thiết thực ảnh 2

Phố đi bộ Hồ Gươm thực hiện tiết kiệm điện mùa nắng nóng. (Ảnh: HÀ NAM)

Do đó, chuyên gia này đề xuất nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện 2 thành phần, đồng thời có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích các khách hàng sử dụng giá điện 2 thành phần, cũng như tuyên truyền ưu điểm, lợi ích của giá bán điện 2 thành phần.

PGS, TS. Ngô Trí Long cho rằng, giá bán điện 2 thành phần là hình thức giá công bằng, có ý nghĩa đối với các hộ sử dụng điện và cả phía cung cấp điện, góp phần sử dụng điện hiệu quả. Giá điện theo công suất đặc biệt hiệu quả đối với khách hàng sử dụng nhiều thiết bị điện với công suất khác nhau.

Đối với ngành điện, việc quy định giá điện 2 thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện khi các hộ sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không tăng cao công suất vào giờ cao điểm.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế này cũng khuyến nghị cần tiếp tục đẩy nhanh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành điện, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành gắn với việc chuyển đổi hoạt động của ngành điện theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để củng cố, phát triển thị trường điện cạnh tranh các cấp độ, tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường điện lực và phân bổ nguồn lực xã hội.

Theo ông Long, một giải pháp quan trọng khác đó là cần điều chỉnh giá điện kịp thời với sự biến động của giá đầu vào của các loại nhiên liệu (than, khí…), để ngành điện có thể cân đối tài chính, bảo đảm cung cấp điện, thu hút đầu tư.

Cần thực hiện đúng thời gian điều chỉnh giá điện giữa các lần 6 tháng theo như Quyết định 24 để giá điện điều chỉnh kịp thời, tránh dồn tích lại, khi điều chỉnh “giật cục” sẽ gây tác động lớn tới nền kinh tế.

Tránh tình trạng thiếu điện - Cần các giải pháp quyết liệt, thiết thực ảnh 3

Chuyên gia kinh tế, PGS, TS. Ngô Trí Long. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

“Điện là một lĩnh vực kinh doanh, đòi hỏi phải có bù đắp đủ chi phí và có lợi nhuận thích đáng. Nếu giá điện không điều chỉnh kịp thời trong khi giá các nhiên liệu đầu vào vẫn neo ở mức cao hoặc tăng lên, EVN sẽ gặp nhiều khó khăn về tình hình tài chính, ảnh hưởng đến việc bảo đảm an ninh năng lượng”, ông Long cho biết.

Giá điện quá cao người dân sẽ khó khăn trong chi trả, nhưng giá bán điện buộc phải bù đắp được chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, ông Long nêu quan điểm, giá điện buộc phải tăng khi chi phí đầu vào tăng do khách quan, nhưng vẫn phải có sự điều tiết từ Nhà nước để tránh việc giá tăng cao quá sẽ dẫn tới cú sốc đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.