Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam:

“Nếu không có giải pháp đột phá, thiếu điện là nỗi lo của nhiều năm sau”

NDO - Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về nguyên nhân của tình trạng thiếu điện gay gắt ở miền bắc mới đây và đề xuất một số giải pháp cho nguy cơ thiếu điện và tụt hậu về năng lượng mà Việt Nam đang phải đối mặt.
0:00 / 0:00
0:00
 “Nếu không có giải pháp đột phá, thiếu điện là nỗi lo của nhiều năm sau”

Ông đánh giá thế nào về tình trạng thiếu điện gay gắt mới đây và theo dự báo sẽ còn kéo dài?

Theo Tổng sơ đồ điện VII, chúng ta đã xây dựng được một số nhà máy điện, kể cả điện than, điện khí và thủy điện. Những năm trước đây, 3 tập đoàn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam triển khai thực hiện các dự án điện rất tốt.

Sau khi Quy hoạch điện VII được điều chỉnh đến nay, rất nhiều công trình, các dự án phát triển nguồn điện chưa hoàn thành. Nhiệt điện Na Dương công suất 110 MW sử dụng than lưu huỳnh tự cháy, Nhiệt điện Hải Phòng 3, Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, Nhiệt điện khí Ô Môn, Điện khí Cá Voi Xanh đều chưa triển khai hoặc triển khai rất chậm.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch điện VIII, trong đó có đưa Quy hoạch điện VII điều chỉnh vào, nhưng không nêu cụ thể chủ đầu tư của từng dự án cũng như cơ chế chính sách, giải pháp, vốn như thế nào để thực hiện các dự án còn lại của quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Nay chúng ta cần có cơ chế, chính sách vốn để tiếp tục triển khai các dự án, trước đây chưa hoàn thành. Các dự án phát triển nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII cần được giao cho chủ đầu tư là ai, thực hiện dự án nào, vốn thu xếp ra sao, thời gian bao lâu thì hoàn thành. Việc này cần sự chỉ đạo từ cơ quan trung ương, tới bộ ngành, tới các địa phương liên quan để triển khai thực hiện.

Nhiều năm qua, ở phía bắc hầu như không có thêm dự án điện nào được đầu tư mới trong khi theo tính toán, hệ thống điện mỗi năm cần bổ sung ít nhất 5.000-6000 MW mới.

Các dự án trong Quy hoạch điện VII đã không được triển khai vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một số địa phương không chấp nhận dự án nhiệt điện than, một số dự án gặp khó khăn về vốn.

Trong các dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi rất có giá trị. Tập đoàn Enterprise Energy (Anh) đầu tư dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất Việt Nam cách bờ gần nhất 20 km, xa nhất 50 km ở mũi Kê Gà, Bình Thuận, đã xin Chính phủ cấp phép khảo sát và công việc này đã hoàn thành. Dự án này đầu tư 5 tỷ USD, có công suất 4.500 MW bằng ba nhà máy nhiệt điện than nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Đáng nói hơn, các dự án điện gió ngoài khơi cho công suất rất lớn dự kiến hoàn thành vào năm 2030 cũng chưa được triển khai do vướng chính sách.

Quy hoạch Điện VIII đã chậm ban hành, song ban hành rồi vẫn chưa hướng dẫn. Quy hoạch có đến 500 dự án truyền tải điện, nhưng không hướng dẫn dự án nào Nhà nước phải đầu tư, dự án nào cho tư nhân tham gia, nên mọi thứ vẫn chậm. Nếu trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương liên quan không có quyết sách, đột phá về cơ chế chính sách, vốn thì các dự án điện còn kéo dài nhiều năm.

Theo ông, nguyên nhân của việc chậm trễ là gì và cần có giải pháp nào để “phá băng” những dự án phát triển nguồn điện?

Nguyên nhân chậm theo tôi là do công tác chỉ đạo và giải pháp thực hiện còn chưa tốt. Chúng ta đang vướng mắc về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện. Trình một dự án lên để xin phép đầu tư có thể kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm.

Thời kỳ Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm đường dây 500 KV dài 1.500 km chỉ trong 2 năm là xong, đó là một kỳ tích mà thế giới chưa nước nào làm được. Sở dĩ có kỳ tích đó vì nói đi đôi với làm, làm đến nơi đến chốn, làm không được thì kỷ luật.

Giờ đây, các nhà máy điện chậm triển khai vì giải pháp để nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ rất kém. Một vấn đề nữa là tiền vốn ở đâu để đầu tư? Đầu tư một dự án phát triển nguồn điện đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Cứ một nhà máy điện than nhỏ cỡ 1.200 MW sẽ cần khoảng 1,5 tỷ USD, số tiền ấy lấy đâu ra?

Trong Quy hoạch điện VIII, theo tính toán giai đoạn 2021-2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD nhưng cần trả lời được câu hỏi là chia ra từ nay đến năm 2030 thì mỗi năm cần bao nhiêu tỷ USD? Trước đây có vốn ODA của Nhật Bản hỗ trợ để phát triển nguồn điện nhưng giờ không còn nguồn này nữa.

Theo tôi, hiện nay các dự án trong Quy hoạch điện VII phải tập trung làm cho xong, không thể dang dở mãi. Trong Quy hoạch điện VIII, cần chỉ rõ nhà đầu tư nào làm dự án nào cũng như thời hạn nào phải hoàn thành. Nếu tổ chức đấu thầu thì cũng phải nêu rõ. Muốn đấu thầu phải phát hành hồ sơ, duyệt hồ sơ mời thầu. Bỏ thầu, duyệt thầu, nhà đầu tư nào đạt yêu cầu mới công bố cho thực hiện. Nhưng hiện nay, thủ tục này của chúng ta làm rất phức tạp, có khi mấy năm chưa xét duyệt được một nhà thầu.

Khi mà thủy điện đã đến giới hạn, theo ông trong tương lai Việt Nam nên ưu tiên phát triển nhiệt điện, khí điện hay năng lượng tái tạo?

Theo quan điểm của tôi, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không còn con đường nào khác là tập trung vào phát triển nhiệt điện than, nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo. Cùng với đó, chính sách giá điện phải phù hợp để hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khai thác tối đa tiềm năng của các nhà đầu tư tư nhân.

Nhiệt điện than đóng góp vai trò rất lớn trong các thời kỳ cách mạng của chúng ta và hiện vẫn đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn 30 năm đổi mới, hàng năm nhiệt điện than đóng góp hàng trăm tỷ kWh cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Càng ngày thì công nghệ sản xuất điện than càng tiên tiến. Với công nghệ ngày nay, người ta không còn dùng lò hơi là lò tầng sôi nữa mà chuyển sang lò hơi siêu tới hạn.

Và hiện đại hơn bây giờ là công nghệ siêu siêu tới hạn, tức là lò đốt đó có nhiệt trị rất cao và dùng loại than cám đặc biệt. Lò đốt siêu tới hạn và siêu siêu tới hạn có một số ưu điểm như: tro xỉ gần như không còn, các chất độc như CO2, SO2, NOx... thải ra cũng không còn bao nhiêu nữa vì bản thân lò hơi đó đã triệt tiêu những loại khí này rồi.

Ngoài các dự án năng lượng truyền thống, cần phát triển các dự án năng lượng tái tạo như: Điện gió, điện mặt trời mặt đất, mặt trời áp mái. Nhưng năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thiên nhiên như nắng, gió vì vậy cũng cần đưa công nghệ lưu điện vào trong hệ thống, nhằm điều tần, điều áp, điều chỉnh phụ tải cho hệ thống điện.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tính đến phương án nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG), tận dụng những nhà máy khí hiện nay đang có và phát triển thêm 5.000 MW đến 10.000 MW. Tuy nhiên, đây mới chỉ là lý thuyết. Để triển khai hiệu quả các dự án điện không hề đơn giản. Thực tế, có nhiều dự án điện BOT đã đăng ký, nhưng chưa triển khai do giá điện Việt Nam vẫn chưa có sức thu hút các nhà đầu tư.

Trong nhiều năm nữa, nếu Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ khác liên quan không có cơ chế, chính sách, giải pháp, vốn để đầu tư phát triển các dự án chưa hoàn thành, nguy cơ thiếu điện sẽ đến. EVN vừa qua bị lỗ liên tục do giá bán điện không điều chỉnh hợp lý. Do đó Chính phủ, Bộ Công thương cần có phương án giá điện hợp lý để EVN không lỗ, có lãi để tích lũy phát triển các dự án điện mới.

Điện được ví như “bánh mì” của nền công nghiệp và điện phải “đi trước một bước” nhưng với tình hình hiện nay nguy cơ tụt hậu về năng lượng của Việt Nam đang cận kề. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ này?

Điện luôn phải đi trước một bước, thậm chí Lê-nin đã đưa ra công thức nổi tiếng: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”. Chúng ta đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về năng lượng, nếu không có các giải pháp đột phá, thiếu điện không phải là nỗi lo của riêng năm nay mà còn của nhiều năm về sau nữa. Thiếu điện vì thiếu nguồn điện. Giai đoạn 2019-2021 có hơn 20.000 MW năng lượng tái tạo được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia, còn lại các nguồn điện khác không có bao nhiêu. Năm nay, chỉ còn 1.200 MW của Nhà máy điện than Vân Phong 1 vào hoạt động, sau đó là không có thêm các nguồn nào đủ lớn để bù đắp lượng điện thiếu.

Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, nhưng tổng công suất điện vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Từ nay đến năm 2040, chúng ta ít nhất phải có 400.000 MW, nếu không đầu tư phát triển nguồn điện thì không đáp ứng được.

Để hệ thống điện có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt; phải có sự đồng lòng, quyết tâm rất lớn, giống như tinh thần của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi xây dựng đường dây 500 KV mạch 1, đó là nói đi đôi với làm, làm đến nơi đến chốn. Và giờ đây, chúng ta cần tinh thần ấy để thực hiện Quy hoạch điện VIII - tôi cho rằng đó là một cuộc cách mạng về năng lượng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!