Tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo

NDO - Nêu thực trạng hệ thống truyền tải không theo kịp công suất của các dự án điện mặt trời, điện gió, đại biểu Quốc hội đề nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ để tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại hội trường chiều 1/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 1/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội khóa XV...

Bảo đảm cơ chế giá mua điện phù hợp thực tiễn, hài hòa giữa các bên

Phát biểu ý kiến về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) cho biết, thời gian gần đây, truyền thông đưa tin nhiều về tình trạng lãng phí năng lượng tái tạo và những khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đại biểu cho biết, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị xác định rất rõ việc xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hóa thạch, ưu tiên sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời cho phát điện. Đây là định hướng chiến lược cho một giai đoạn phát triển từ 2020 đến 2030, tầm nhìn đến 2045.

Tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển phát biểu ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tuy nhiên, trong các văn bản điều hành gần đây, cơ quan chức năng có sự thay đổi đột ngột về mặt chính sách, nhất là các quy định về khung giá điện, nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp, không những không khuyến khích, ưu đãi, các dự án điện gió, điện mặt trời như Nghị quyết 55 mà có thêm các quy định còn thắt chặt hơn so với các dự án điện truyền thống, chưa thật sự hợp lý và tập trung ở 3 văn bản chính là Nghị quyết 21, Thông tư 15, Thông tư 01 của Bộ Công thương.

Đề cập một số bất cập chính của 3 văn bản này, đại biểu Hiển nêu rõ, các văn bản đã bãi bỏ thời hạn áp dụng giá mua điện trong thời hạn 20 năm; khung giá mua điện áp dụng trong thời gian ngắn sẽ khiến các tổ chức tài chính không tính được hiệu quả của dự án, như vậy chắc chắn sẽ không tài trợ cho các dự án điện gió.

Bên cạnh đó, các văn bản còn bãi bỏ điều khoản chuyển đổi tiền mua điện sang USD, làm các nhà đầu tư không lường trước được rủi ro, không an tâm trong đầu tư phát triển dự án, vì hầu hết các thiết bị đều nhập từ nước ngoài.

Đại biểu cho biết thêm, những năm gần đây, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến Tập đoàn Điện lực (EVN) phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, gây lãng phí tài nguyên và thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này. Trong khi đó, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện và phải nhập khẩu điện từ nước ngoài.

“Theo số liệu, hiện nay chúng ta nhập 1.272 MW, dự kiến đến năm 2030 nhập 5.743 MW. Những bất cập nêu trên có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và môi trường đầu tư”, đại biểu Hiển thông tin.

Theo đó, các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đều không có khả năng đạt mức sinh lời hiệu quả, từ đó có thể khiến nhiều nhà đầu tư đối diện nguy cơ phá sản. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, việc thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo nhiều khả năng sẽ bị đóng băng.

Từ thực trạng, bất cập nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét lại việc điều chỉnh các chính sách theo hướng có phương án giảm sốc, lộ trình hợp lý, tránh việc thay đổi chính sách một cách quá đột ngột khiến các nhà đầu tư không thể dự báo và có chiến lược kinh doanh phù hợp…

Đồng thời, cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo lớn đã được sản xuất nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng; có giải pháp đồng bộ, kịp thời, bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó cần bảo đảm cơ chế giá mua điện phù hợp thực tiễn ngành điện nói chung và hài hòa giữa bên mua điện, các nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Lãng phí từ chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Tham gia ý kiến thảo luận, đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) cho rằng hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng với hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, chế độ, định mức là thước đo và cơ sở quan trọng nhất để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trong năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã làm tương đối tốt nội dung công việc này, ban hành được 602 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều quy định liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí, nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ, vốn là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.

Cùng với đó là những lãng phí do đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thái độ thờ ơ, vô cảm, kéo dài thực hiện các thủ tục hành chính trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.

Tránh thất thoát, lãng phí nguồn năng lượng tái tạo ảnh 3

Đại biểu Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) nhấn mạnh sự lãng phí xuất phát từ việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách còn cho thấy tình trạng chưa bảo đảm tiến độ trình các dự án luật, dự thảo các nghị định kèm theo không bảo đảm chất lượng, còn rất hình thức. Đơn cử như dự thảo nghị định kèm theo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đang trình tại Kỳ họp này còn sơ sài, chung chung, khó có thể triển khai thực hiện ngay.

Cũng theo đại biểu, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ.

“Có tới 44 điều khoản của 37 luật, pháp lệnh chưa được Chính phủ và 15 bộ, ngành ban hành văn bản quy định chi tiết. Việc chậm ban hành này tất yếu dẫn tới việc chậm chưa có cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện”, đại biểu Lan thông tin.

Lấy thí dụ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1, nữ đại biểu đoàn Hà Giang cho biết Chương trình mới cơ bản hoàn thành việc ban hành hướng dẫn của trung ương; đến nay là tháng 6/2023, hệ thống văn bản hướng dẫn chưa thống nhất, hoàn thiện. Một số dự án, tiểu dự án của chương trình vẫn chưa thể triển khai mặc dù đã bước sang năm thứ 3 thực hiện chương trình.

“Điều này gây lãng phí nguồn lực, thời gian, cơ hội thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình và đặc biệt lãng phí cơ hội thụ hưởng, tiếp cận chính sách của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”, đại biểu khẳng định.

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 81 ngày 5/1/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Bộ chính trị và Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Sau mỗi hội nghị, cần triển khai và giao cơ quan chức năng ban hành, tổ chức thực hiện ngay, đưa các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua sớm đi vào cuộc sống. Nếu làm tốt, điều này sẽ là cơ sở, là gốc cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cho rằng lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ cũng có thể xảy ra nếu chỉ sắp xếp theo tỷ lệ cố định như hiện nay mà không trên cơ sở đặc thù, điều kiện và yêu cầu cụ thể, đại biểu Lan đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.