Trong 6 tháng vừa qua, Bộ Giao thông vận tải cũng tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia; đồng thời, các lĩnh vực vận tải khác của ngành đều có sự tăng trưởng ấn tượng.
Chọn nhà đầu tư đối với 5 trạm dừng nghỉ
Tại Hội nghị của Bộ Giao thông vận tải đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm diễn ra sáng 3/7, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Uông Việt Dũng cho biết, 6 tháng vừa qua, bộ đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, trong đó, có 2 dự án thành phần đường Hồ Chí Minh, sau khi hoàn thành sẽ nối thông toàn tuyến từ Cao Bằng đến Đất Mũi Cà Mau trong năm 2025.
Về lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đặt mục tiêu thi công một số đoạn cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025 từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ từ 3 đến 6 tháng. Cơ quan quản lý cũng đã lựa chọn được nhà đầu tư đối với 5/8 trạm dừng nghỉ; đã trình và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành.
Phối cảnh trạm dừng nghỉ Mộc An. |
Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đánh giá: Hiện nay, cơ quan chức năng đã giải quyết cơ bản vấn đề bức xúc là làm các trạm dừng nghỉ tạm, giảm áp lực trước mắt. Trong 8 trạm dừng nghỉ đã mở thầu, có 5 trạm dừng nghỉ đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư (gồm Mai Sơn-QL 45, Cam Lâm-Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo-Phan Thiết Km144+560, Vĩnh Hảo-Phan Thiết Km205+092, Phan Thiết-Dầu Giây), 1 trạm đang thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư (Nha Trang-Cam Lâm), 2 trạm Ban Quản lý dự án 6 đang đánh giá hồ sơ dự thầu (Nghi Sơn-Diễn Châu, Diễn Châu-Bãi Vọt).
Ngành giao thông bố trí đủ trạm dừng nghỉ tạm dọc tuyến cao tốc bắc-nam
Trong đó, Liên danh Futabuslines-Thành Hiệp Phát trúng thầu 3 trạm (Cam Lâm-Vĩnh Hảo), Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây. Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, nhà đầu tư sẽ lên kế hoạch để xây dựng các công trình thiết yếu; các trạm còn lại sẽ hoàn thành khi dự án đường cao tốc đưa vào khai thác.
Bên cạnh đó, Bộ đã hoàn thành, đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó, có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt vào ngày 30/6 vừa qua, kịp thời đưa vào khai thác 19km còn lại đoạn từ quốc lộ 46B đến Bãi Vọt theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 653km, giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000 km.
Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải
Lĩnh vực hàng không, gói thầu 5.10 dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang thi công vượt tiến độ so với hợp đồng, dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu hoàn thành trước 3 tháng so với kế hoạch.
Về đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai thi công bảo đảm tiến độ 6 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025, đã duyệt dự án và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu đối với 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022 và 1 dự án ODA, 2 dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn-Ga Hà Nội sẽ đưa vào khai thác trong tháng 7/2024, tuyến Bến Thành-Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.
Bộ cũng đã giao Ban quản lý dự án đường sắt lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng, Vành đai phía đông Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu-Thủ Thiêm-Long Thành, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân, giao nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Vũng Áng-Mụ Giạ.
Với lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, các dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải và dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực nam Nghi Sơn, Thanh Hóa thi công bảo đảm tiến độ; đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp luồng Quy Nhơn; dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía nam.
5 lĩnh vực vận tải tăng trưởng ấn tượng
Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải Uông Việt Dũng cho biết, trong 6 tháng vừa qua, tất cả 5 lĩnh vực vận tải đều có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, về hàng không, Bộ đã yêu cầu các hãng hàng không điều chỉnh, nâng lượt cất hạ, cánh (slot) tại một số cảng hàng không trong giờ cao điểm, chỉ đạo quyết liệt ổn định giá vé máy bay và đã cơ bản giảm về mức đáp ứng nhu cầu cùng khả năng chi trả của người dân.
Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các hãng hàng không điều chỉnh, nâng lượt cất hạ, cánh (slot) tại một số cảng hàng không trong giờ cao điểm. |
Bộ cũng đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng hàng không mở mới, tăng cường các đường bay thẳng giữa Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ, đặc biệt là việc khai thác trở lại các đường bay quốc tế đến các điểm du lịch.
Theo Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải hành khách qua đường hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ, hàng hóa ước đạt 599.000 tấn, tăng 22% so với cùng kỳ.
Lực lượng cứu nạn hàng hải: Nâng tầm làm "điểm tựa" an toàn trên biển
Lĩnh vực hàng hải, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Hội nghị đối thoại với khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa để thúc đẩy vận tải hàng hải; các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển, triển khai việc quản lý giá, niêm yết giá dịch vụ tại cảng biển, kiểm tra, giám sát hoạt động vận tải biển tiếp tục được tập trung thực hiện. Do đó, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 6 tháng của năm 2024 ước đạt 427,645 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó hàng container ước đạt 14,399 triệu TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ.
Về đường thủy nội địa, sản lượng vận tải hàng hóa 6 tháng đầu năm ước đạt trên 258 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ, hành khách ước đạt 189 triệu lượt, tăng 10,9 % so với cùng kỳ.
Có được kết quả này, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai nâng cấp các dịch vụ, cắt giảm thủ tục, thuế phí, thủ tục hải quan, kiểm tra hải quan, kiểm dịch thực vật, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thúc đẩy vận tải thủy, hỗ trợ cho doanh nghiệp; đang nghiên cứu thay thế tuyến vận tải truyền thống kết nối hàng hóa từ các khu công nghiệp, cảng cạn (ICD) đến cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, qua đó sẽ giảm khoảng 30km, giảm thời gian chạy tàu khoảng 3 giờ, giảm chi phí logistic.
Với ngành đường sắt, Bộ Giao thông vận tải đã nâng cấp, công bố thêm 2 ga liên vận quốc tế gồm Ga Sóng Thần và Cao Xá để vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu từ sâu trong nội địa; đưa nhiều đoàn tàu chất lượng cao, tiêu chuẩn 5 sao vào khai thác đồng thời sáng tạo nhiều sản phẩm chạy tàu kết hợp với du lịch phục vụ du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, các đơn vị của ngành đường sắt đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong bán vé, cải tạo chỉnh trang các ga đường sắt được đẩy mạnh nâng cao thuận lợi, tiện ích cho khách đi tàu. Vì thế, 6 tháng vừa qua, sản lượng hàng hóa đường sắt ước đạt 2,5 triệu tấn, tăng 114% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách ước đạt 3,5 triệu lượt hành khách, tăng 112% so với cùng kỳ 2023, qua đó giúp giảm tải cho vận tải đường bộ, hàng không.
6 tháng qua, Bộ Giao thông vận tải đạt kết quả giải ngân 25.500 tỷ đồng. |
Với quyết tâm giải ngân tối đa số vốn 61.900 tỷ đồng, Bộ Giao thông vận tải đã triển khai nhiều giải pháp, coi đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân phải thực chất, đi đôi với sản lượng thực tế trên công trường, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bộ Giao thông vận tải đã giao chi tiết kế hoạch vốn qua 3 đợt, duyệt quyết toán 13/42 dự án với tổng giá trị 6.275 tỷ đồng; kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm của Bộ đạt 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch giao, là 1 trong số ít các bộ, ngành, địa phương đứng đầu về kết quả giải ngân.