Từ 1/7/2024: Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế áp dụng ra sao?

Từ ngày 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp điều chỉnh tăng theo các quy định mới về lương tối thiểu, lương cơ sở mới được Chính phủ ban hành.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: nhandan.vn)
Lao động ngành điện Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: nhandan.vn)

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Văn bản số 4767/TB-BHXH về mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp kể từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, để phù hợp với các quy định trong Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, kể từ ngày 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh tăng.

Tăng mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên

Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được điều chỉnh tăng theo lương cơ sở mới áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 2.340.000 đồng. Mức đóng cụ thể như sau:

Từ 1/7/2024: Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế áp dụng ra sao? ảnh 1
Mức đóng bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.

Đối với học sinh, sinh viên năm đầu cấp hoặc đã tham gia bảo hiểm y tế gián đoạn trong năm học trước thì có thể tham gia bảo hiểm y tế ngay từ đầu năm học.

Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, hộ cận nghèo

Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình theo thứ tự các thành viên khi đủ điều kiện giảm phí như sau:

Từ 1/7/2024: Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế áp dụng ra sao? ảnh 2
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình.

Nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người tham gia là thành viên hộ cận nghèo bằng 70% x 4,5% x 2.340.000 đồng x 12 tháng = 884.520 đồng/năm.

Người tham gia bảo hiểm y tế là thành viên hộ cận nghèo đóng bằng 30% x 4,5% x 2.340.000 đồng x 12 tháng = 379.080 đồng/năm.

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cũng tăng theo.

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện hành (2.340.000 đồng), cụ thể là 46.800.000 đồng/tháng.

Cụ thể, mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở hiện hành (2.340.000 đồng), cụ thể là 46.800.000 đồng/tháng.

Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, vùng I là 99.200.000 đồng/tháng; vùng II là 88.200.000 đồng/tháng và các vùng khác như bảng dưới đây.

Từ 1/7/2024: Mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế áp dụng ra sao? ảnh 3
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất.

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thấp nhất tính trên mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

Mức quy định cụ thể cho các vùng như sau: Vùng I là 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II là 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III là 3.860.000 đồng/tháng; Vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Mức thu nhập tháng người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn để tính mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng. Mức đóng cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở là 46.800.000 đồng.

Mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian tối đa 10 năm. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:

- Hộ nghèo (30%): 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.

- Hộ cận nghèo (25%): 1.500.000 x 22% x 25% = 82.500 đồng/tháng.

- Người tham gia khác (10%): 1.500.000 x 22% x 10% = 33.000 đồng/tháng.

Khi Chính phủ điều chỉnh mức đóng, tỷ lệ đóng bảo hiểm y tế, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia và ngân sách nhà nước không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng bảo hiểm y tế.

Trong trường hợp người tham gia đã đóng đủ tiền vào Quỹ Bảo hiểm y tế theo thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế và được cấp giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trước ngày 1/7/2024, cả người tham gia bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước không phải đóng, hỗ trợ bổ sung do tăng mức lương cơ sở đối với thời gian từ ngày 1/7/2024 mà người tham gia bảo hiểm y tế đã đóng bảo hiểm y tế.

Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tự điều chỉnh mức lương cao nhất tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp đối với người tham gia đã kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng lao động, đơn vị không phải nộp hồ sơ.

Trường hợp đơn vị chưa kê khai đúng mức lương và phụ cấp lương trên hợp đồng, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đơn vị lập hồ sơ điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định.

Theo Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/5/2024, trên địa bàn Thành phố có 8.002.618 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tăng 1,93% (151.492 người) so với cùng kỳ năm trước.

Lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt 51,18%. Lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 49,36%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 88,23% dân số.