Tuy nhiên, nhiều năm qua, chúng ta chưa tận dụng và phát huy được lợi thế hiện có. Bên cạnh nguyên nhân khách quan từ hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế còn hạn chế, có thể thấy việc đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề chất lượng cao chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có hơn 800 trường cao đẳng, trung cấp nghề và 1.058 trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên. Số cơ sở dạy nghề do Nhà nước quản lý có 1.205 cơ sở (chiếm 63,8%). Tính đến hết năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ nghề) đạt khoảng 14 triệu người, chiếm 27% tổng số người trong độ tuổi lao động.
Như vậy, cả nước vẫn còn hơn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo chính quy. Ngoài số lao động hoạt động trong các cơ quan hành chính công, lao động ở các ngành nông, lâm nghiệp tại chỗ và khoảng 1,5 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài, những người trong độ tuổi lao động còn lại phần lớn là lao động tự do, hoặc làm thời vụ cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ và thương mại dịch vụ. Bên cạnh đó, cũng chỉ có khoảng 60% số lao động đã qua đào tạo được làm việc đúng ngành nghề. Tỷ lệ lao động phát huy được giá trị tay nghề cao lại càng thấp hơn nữa.
Đối với một nền kinh tế đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, việc lãng phí nguồn nhân lực hàng chục triệu lao động có điều kiện trở thành lao động chất lượng cao là điều vô cùng đáng tiếc, nhất là khi so sánh mức thu nhập có sự chênh lệch rất lớn giữa lao động phổ thông và lao động có tay nghề cao trong cơ cấu lao động hiện nay.
Thực trạng lao động cho thấy công tác đào tạo nghề ở các cơ sở đào tạo trong nước còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Nguyên nhân một phần từ chất lượng đào tạo chưa cao; cơ sở dành cho thực hành thiếu và yếu; nội dung đào tạo không sát với yêu cầu của bên sử dụng lao động; chi phí đào tạo lao động tay nghề cao còn cao. Ngoài ra, việc bảo đảm việc làm cho đối tượng lao động này chưa rõ ràng. Nguyên nhân khách quan do mục tiêu ưu tiên của đối tượng lao động trẻ là học đại học chứ không phải học nghề. Nếu có học nghề thì lựa chọn vẫn là các ngành nghề phổ thông, học phí thấp, thời gian học ngắn và dễ tìm việc làm.
Cơ hội việc làm cho đối tượng lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải không có, đặc biệt là thị trường châu Âu. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), hầu hết các quốc gia châu Âu không tiếp nhận và sử dụng lao động phổ thông. Nhưng các doanh nghiệp của họ sẵn sàng trả lương và phí đào tạo cho lao động có tay nghề đạt yêu cầu, nhất là các ngành nghề họ đang thiếu hụt lao động như điều dưỡng viên, nhà hàng, khách sạn, cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm... Tuy nhiên, chất lượng đào tạo trong nước cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ lao động còn chưa đáp ứng yêu cầu là một trở ngại không nhỏ.
Chu kỳ “dân số vàng” ở nước ta còn kéo dài hơn 10 năm nữa. Nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao không chỉ mang lại nhiều giá trị kinh tế mà còn là cơ sở, động lực để thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Thế nhưng, thực trạng lao động hiện nay cho thấy chúng ta vẫn chưa tìm được “công thức vàng” cho bài toán đào tạo và sử dụng lao động.