Ngành giao thông “thúc” tiến độ giải ngân, giảm áp lực trong năm tới

NDO - Ngày 23/4, tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm giảm áp lực trong năm tới.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông ngày 23/4.
Cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông ngày 23/4.

Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu tiếp tục đẩy nhanh thi công các dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án đường cao tốc bắc-nam, thi công đến đâu, tiền sẽ được giải ngân tới đó.

Nhiều điểm sáng về giải ngân

Biểu dương các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, nhà thầu phối hợp nhịp nhàng, vào cuộc với quyết tâm cao, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải tiếp tục duy trì cao hơn mức bình quân chung cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay: Theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại cần phải giải ngân của Bộ Giao thông vận tải khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

“Kế hoạch vốn năm nay, Bộ được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 59 nghìn tỷ đồng. Năm nay, nếu chỉ hoàn thành giải ngân số vốn này, áp lực giải ngân trong năm sau là khá lớn. Do đó, các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực thi công hơn nữa để giải ngân, góp phần giảm áp lực giải ngân trong năm tới. Các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công, làm đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó. Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trước mắt, các chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn thiết kế phối hợp hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt hai dự án trong tháng 5 tới, gồm dự án đường cao tốc Dầu Giây-Tân Phú và dự án xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Cục Đường bộ Việt Nam.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục phê duyệt 6 dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022, gồm tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn; tuyến nối cao tốc Nội Bài-Lào Cai với cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; nâng cấp, mở rộng một số cầu, hầm trên quốc lộ 1; nâng cấp quốc lộ 24B đoạn Km23-Km29 qua Quảng Ngãi; mở rộng đường cao tốc đoạn Cao Bồ-Mai Sơn; cầu đường sắt Cẩm Lý.

Ngành giao thông “thúc” tiến độ giải ngân, giảm áp lực trong năm tới ảnh 1
Thi công cầu Vĩnh An trên tuyến cao tốc bắc-nam.

"Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch công tác đấu thầu dự án, đúng quy định của pháp luật và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực. Cần tăng cường giám sát, nhận diện kịp thời các dự án, lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm, xử lý nghiêm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Ngành giao thông “thúc” tiến độ giải ngân, giảm áp lực trong năm tới ảnh 2

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng

Hiện nay, đường găng lớn nhất của các dự án ngành giao thông nói chung vẫn tập trung ở khâu giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng thông thường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và di dời hạ tầng kỹ thuật,… Đây là những vấn đề thuộc thẩm quyền của các địa phương, vì vậy các chủ đầu tư, nhà thầu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết càng sớm càng tốt.

Trước đó, báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Kế hoạch-Đầu tư cho biết, năm 2024, Bộ Giao thông vận tải được giao kế hoạch vốn 59.237 tỷ đồng. Ước đến hết tháng 4/2024, Bộ đã giải ngân hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Về tình hình triển khai các dự án, những tháng đầu năm, việc trình duyệt, thi công các dự án ngành giao thông đã bám sát kế hoạch yêu cầu. Trong tháng 4, ngành giao thông đã khởi công 8/8 dự án; hoàn thành 3/4 dự án theo kế hoạch. Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, đến nay, có 65/66 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 55/65 dự án đã phê duyệt dự án đầu tư. Các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án đã lập kế hoạch, hoàn thành phê duyệt 10 dự án trong quý 2/2024).

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thăng cũng yêu cầu các chủ đầu tư/Ban Quản lý dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch công tác đấu thầu dự án, đúng quy định của pháp luật và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực. Các đơn vị được giao phải tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ việc thi công dự án của nhà thầu theo hợp đồng, không để dự án chậm tiến độ do nhà thầu huy động không đủ máy móc, nhân lực; xử lý nghiêm vi phạm, nhận diện kịp thời các dự án, lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các tuyến cao tốc

Liên quan công tác đầu tư hệ thống quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí không dừng (ETC), kiểm tra tải trọng xe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giao Ban Quản lý dự án 6 tiếp tục phối hợp với tư vấn để hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trong đó, hệ thống ITS phải nghiên cứu phần mềm dùng chung, bảo đảm hiệu quả đầu tư, đồng bộ trên toàn dự án với giá thành hợp lý.

Riêng dự án đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025), phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện, từ hạ tầng phần cứng đến phần mềm, nhất là hạng mục trạm dừng nghỉ. Việc đầu tư phải bảo đảm khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành.

Ngành giao thông “thúc” tiến độ giải ngân, giảm áp lực trong năm tới ảnh 4

Theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại cần phải giải ngân của Bộ Giao thông vận tải khoảng 150 nghìn tỷ đồng.

Với đường cao tốc bắc-nam giai đoạn I (2017-2020), các dự án thành phần hiện nay đã cơ bản hoàn thành, song các chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu nhanh chóng hoàn thiện một số hạng mục còn lại, nhất là các hạng mục bổ sung theo kiến nghị của địa phương để nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư dự án, phục vụ phát triển kinh tế xã hội các địa phương, đồng thời sớm bàn giao cho Cục Đường bộ Việt Nam. “Không thể để việc khai thác tạm, vận hành thử kéo dài, các dự án phải hoàn thành đồng bộ và bàn giao nhanh nhất có thể”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, vị “Tư lệnh” ngành giao thông cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu tại hai dự án đường cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt sẽ khánh thành, đưa vào khai thác trong dịp 30/4 tới đây.

Dự án đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có lúc tưởng như không thể về đích nhưng nhà đầu tư, nhà thầu đã dồn toàn lực để đáp ứng, thậm chí là đưa các hạng mục về đích sớm. Dự án đường cao tốc Diễn Châu-Bãi Vọt, chỉ khoảng 10 ngày trước , mọi thứ cũng còn rất ngổn ngang, thế nhưng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông vận tải, các nhà thầu trong liên danh đã hỗ trợ tích cực lẫn nhau và phấn đấu hoàn thành đúng tiến độ.

Điển hình, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tập đoàn CIENCO4 đã bổ sung nhân lực, máy móc, thiết bị hỗ trợ cùng nhà thầu Hòa Hiệp hoàn thành khối lượng của các nhà thầu khác bị “đuối” năng lực.

“Thậm chí, nhà thầu ở dự án khác cũng đưa máy móc, công nhân, kỹ sư đến tư vấn giải pháp và hỗ trợ thi công để tăng tốc các hạng mục quan trọng. Đây là tinh thần sẻ chia trách nhiệm rất đáng ghi nhận và hình thành nhận thức mới, tinh thần “cộng đồng trách nhiệm” vì lợi ích chung của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá.