Hà Nội

Điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội theo lương cơ sở và lương tối thiểu mới

Chậm nhất trước ngày 25/7, các đơn vị sử dụng lao động tại Hà Nội lập danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh mức đóng. Quá thời hạn trên, đối với các trường hợp đơn vị chưa có đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng 4 chính sách bảo hiểm trên bằng mức lương tối thiểu mới.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG ANH)
Lao động tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG ANH)

Ngày 4/7, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ban hành công văn số 3035/BHXH- TST về việc mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu từ ngày 1/7/2024.

Mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho người sử dụng lao động theo vùng từ ngày 1/7/2024. Đó là: Vùng I: 4.960.000 đồng, vùng II: 4.410.000 đồng, vùng III: 3.860.000 đồng, vùng IV: 3.450.000 đồng.

Văn bản nêu rõ, căn cứ quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; Công văn số 2156/BHXH-TST ngày 4/7/2024 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo mức lương cơ sở 2.340.000 đồng/tháng. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng như sau:

Thứ nhất, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở làm căn cứ tính mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp là 2.340.000 đồng.

Thứ hai, mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động cho người sử dụng lao động theo vùng từ ngày 1/7/2024. Đó là: Vùng I: 4.960.000 đồng, vùng II: 4.410.000 đồng, vùng III: 3.860.000 đồng, vùng IV: 3.450.000 đồng.

Cần lưu ý, khi thực hiện mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với người lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho người lao động (như chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học tập, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu và chế độ trả lương cho người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường) thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thứ ba, Văn phòng, các phòng nghiệp vụ và bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã thông báo, tuyên truyền, hướng dẫn cho các đơn vị sử dụng lao động, đơn vị quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm y tế được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng và người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình về tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp theo quy định.

Phòng Quản lý Thu - Sổ, thẻ (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) chủ trì phối hợp với Văn phòng, các phòng nghiệp vụ tổ chức hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu mới theo quy định, tổng hợp, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn.

Tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trên địa bàn hướng dẫn nhân viên thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về quy định mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức lương cao nhất tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ ngày 1/7/2024 để bảo đảm thu đầy đủ số tiền đóng của người tham gia, lập hồ sơ chuyển cơ quan bảo hiểm xã hội cấp mới hoặc gia hạn giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đúng quy định.

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, rà soát hợp đồng lao động và mức tiền lương tối thiểu trong thang lương, bảng lương của đơn vị theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu trên để kịp thời điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Chậm nhất trước ngày 25/7/2024, đơn vị lập danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (mẫu D02-LT) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh mức đóng.

Quá thời hạn nêu trên, đối với các trường hợp đơn vị chưa có đề nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời điều chỉnh mức lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp bằng với mức lương tối thiểu mới.

Chậm nhất trước ngày 25/7/2024, đơn vị lập danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (mẫu D02-LT) gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh mức đóng.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Trường hợp người lao động làm việc khác với địa chỉ trụ sở chính của đơn vị, yêu cầu đơn vị lập danh sách chi tiết lao động, mã vùng, địa chỉ nơi làm việc để xác định mức lương tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp đơn vị kê khai điều chỉnh tăng lương muộn, đơn vị phải nộp tiền lãi chậm nộp theo quy định của pháp luật.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phản ánh về Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội (qua Phòng Quản lý Thu - Sổ, Thẻ) để kịp thời xem xét, giải quyết theo quy định.

Ước tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của Hà Nội đạt 94,33% dân số với hơn 8 triệu người tham gia. Con số này chưa bao gồm số tham gia trong lực lượng vũ trang.

Thành phố cũng có 2,079 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt tỷ lệ 44,37% lực lượng trong độ tuổi lao động. Cùng với đó là hơn 111 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 2,43%. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp thu hút 2,011 triệu người, đạt tỷ lệ 40,05% lực lượng lao động trong độ tuổi.