Dọc các tuyến đường của Hà Nội, nơi thì bốt điện dùng để treo biển hiệu, đặt hàng hoá lên trên nóc, nơi thì trạm biến áp để dựa các mặt hàng và là nơi để ngồi buôn bán.
Nguy hiểm hơn, các sản phẩm, hàng hóa đó đều là những thứ rất dễ gây cháy nổ, chập điện như: thùng xốp, chiếu trúc, đồ hàng mã, túi giấy, sắt thép…
Người bán hàng bất chấp nguy hiểm đứng cạnh bốt điện để bán hàng. |
Hằng ngày, sau 1 giờ đạp xe tới đường Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, cô Trần Thị Huyền, 45 tuổi, ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) dựa chiếc xe đạp chở hoa quả vào bốt điện để bán hàng.
Cô Huyền cho biết, dù biết bán cạnh bốt điện là nguy hiểm, nhất là những ngày mưa gió sấm chớp, nhưng vì mưu sinh cô đành phải đứng đó.
Để giữ cho chiếc xe chở đầy hoa quả không bị đổ, cô Huyền dùng bốt điện làm “điểm tựa” để chiếc xe dựa vào đó, còn chân bốt là nơi để cô để túi đựng và một chiếc cân đòn.
Phớt lờ biển cảnh báo, người bán hàng thản nhiên bán hàng bên cạnh trạm biến áp. |
Cũng vì kế sinh nhai, hằng ngày bà Đỗ Thị Hà (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn ngồi bán hàng ngay cạnh trạm biến áp mặc cho nguy hiểm rình rập.
Bà Hà nói: “Cứ thấy mưa sấm là tôi phải chạy đi chỗ khác”. Bà Hà tận dụng vị trí trạm biến áp ở ngay mặt đường để bán hàng, đồng thời, đó cũng là nơi để bà treo mắc các vật dụng như: mũ bảo hiểm, túi ni lông, dây buộc,…
Vội tấp chiếc xe máy vào lề đường, chị Vũ Kim Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) xuống xe và mua hàng, chị cho biết: “Nhiều lần mua hàng ở đây, tôi cũng thấy nguy hiểm, cho nên tôi phải mua thật nhanh rồi đi ngay”.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Tẹo (tổ trưởng tổ dân phố, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Do nhu cầu buôn bán, mưu sinh, những người bán hàng sử dụng các bốt điện, trạm biến áp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm nơi kinh doanh. Trong thời gian tới, tổ dân phố sẽ có những biện pháp nhắc nhở, thậm chí xử phạt đối với những hành vi vi phạm này”.
Tình trạng lấn chiếm bốt điện phục vụ kinh doanh, buôn bán còn nhiều và nguy hiểm hơn tại các khu phố cổ như: Hàng Chiếu, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông,…
Rất nhiều đồ vật dễ cháy treo quanh bốt điện. |
Những hành vi buôn bán, kinh doanh ngay cạnh các trạm biến áp, bốt điện là hành vi bị nghiêm cấm và cực kỳ nguy hiểm, đe dọa sức khoẻ, tính mạng của những người chung quanh.
Là người dân thường xuyên bắt gặp hình ảnh lấn chiếm bốt điện, trạm biến áp anh Vũ Xuân Khoa (38 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Việc sử dụng bốt điện, trạm biến áp với mục đích kinh doanh buôn bán là rất nguy hiểm vì nó vi phạm an toàn về hành lang lưới điện, bên cạnh đó còn làm mất mỹ quan đô thị. Để xử lý hành vi này lực lượng chức năng phải cấm triệt để thì mới có hiệu quả”.
Trên thực tế, tại các trạm biến áp, bốt điện trên các tuyến phố hoặc khu dân cư đều gắn biển cảnh báo nguy hiểm, cấm lại gần. Tuy nhiên, vì sinh kế cho nên nhiều người đã phớt lờ biển báo cấm ngay trong hành lang an toàn bảo vệ lưới điện.
Luật sư Nguyễn Đăng Thái (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Căn cứ điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành luật điện lực về an toàn điện, các hành vi bị cấm bao gồm: “Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác”.
Luật sư Nguyễn Đăng Thái cũng cho biết thêm, để giải quyết vấn đề trên, lực lượng chức năng của các phường cần phối hợp lực lượng thanh tra giao thông, quản lý đô thị ra quân lập lại trật tự văn minh đô thị, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm hành lang lưới điện và thường xuyên kiểm tra độ an toàn của các trạm biến áp, bốt, trụ, cột điện.