Sáng 26/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Góp kiến hoàn thiện dự thảo Luật, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến các quy định liên quan chính sách hỗ trợ, đãi ngộ dành cho các nghệ nhân.
Đề xuất bổ sung “nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước
Theo đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), nghệ nhân được ví như báu vật nhân văn sống, sợi dây níu giữ các yếu tố văn hóa dân gian và là người giữ lửa cho di sản. Tuy nhiên, Luật Di sản văn hóa năm 2001 chưa quy định chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân.
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đến năm 2009, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa quy định tại Điều 26 việc trợ cấp sinh hoạt hàng tháng và ưu đãi đối với nghệ nhân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp và hoàn cảnh khó khăn. Nhưng theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa, cho đến nay chỉ có 20/1.881 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu được hưởng chế độ này.
Đại biểu Vân đồng tình với việc bổ sung quy định về chính sách đãi ngộ đối với tất cả các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 như dự thảo Luật mà không bị hạn chế bởi quy định chỉ áp dụng với nghệ nhân có thu nhập thấp hoặc hoàn cảnh khó khăn như Luật hiện hành.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, không có nghệ nhân dân gian nào trong số 747 nghệ nhân dân gian được hỗ trợ vì họ không thuộc đối tượng trong Nghị định 109. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm “nghệ nhân dân gian” vào đối tượng được hưởng chính sách cùng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú quy định trong dự thảo Luật sửa đổi.
“Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, được xét duyệt kỹ lưỡng và trao cho những người có thành tích trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Từ 2003 đến nay, sau hơn 20 năm Hội cũng chỉ mới xét tặng và phong tặng cho 747 nghệ nhân”, đại biểu Vân nêu rõ.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị nên cân nhắc khi quy định số tiền hỗ trợ cụ thể đối với các nghệ nhân tại Điều 17, 18, 19 trong dự thảo Nghị định trình kèm hồ sơ dự án Luật. Thay vì quy định cứng mức hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân là 2 triệu đồng/tháng, nghệ nhân ưu tú là 1,5 triệu đồng/tháng, chế độ mai táng phí là 10 triệu đồng/người, đại biểu cho rằng nên quy định mức hỗ trợ tối thiểu đối với nghệ nhân nhân dân là 1,5 lần mức lương cơ sở, nghệ nhân ưu tú là 1 lần, nghệ nhân dân gian 0,7 lần, và chế độ mai táng phí là 5 lần mức lương cơ sở.
“Điều này vừa bảo đảm tính ổn định lâu dài, không phải sửa nghị định, vừa bảo đảm mức hỗ trợ phù hợp, xứng đáng đối với các nghệ nhân, khích lệ họ thêm yêu nghề, truyền nghề, khích lệ lớp nghệ nhân kế cận là những người trẻ tích cực hơn trong việc tham gia bảo toàn và phát huy giá trị di sản”, đại biểu Vân nói.
Làm rõ quy định về chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số
Quan tâm đến chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn) cho biết, khoản 6 Điều 7 dự thảo Luật quy định: Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân nắm giữ và có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn Bắc Kạn). (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số ít người, sinh sống tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù trong việc phổ biến hình thức sinh hoạt truyền thống, đào tạo, truyền dạy người kế cận.
Theo đại biểu Ngân, quy định này được đặt ra nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa thể hiện và quy định rõ chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung và chế độ đãi ngộ có khác gì so với các nghệ nhân khác hay không.
Đại biểu nêu rõ, trong bối cảnh hội nhập và phát triển mạnh mẽ của đất nước, các giá trị văn hóa truyền thống bị tác động bởi những giá trị văn hóa mới, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số được coi là hạt nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng không bị hòa tan.
Thách thức lớn nhất mà hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể đều phải đối diện là giới trẻ chưa tìm thấy sự say mê để theo học do sự ảnh hưởng của các trào lưu văn hóa mới, vì thế thế hệ các nghệ nhân cao tuổi ngày một già yếu nhưng chưa tìm được người kế cận.
Do đó, để giải quyết tốt mối quan hệ hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, đại biểu đề nghị cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên, tôn vinh đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số nói chung kịp thời, qua đó phát huy mọi khả năng đóng góp của công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống.
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến chính sách đối với nghệ nhân, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản.
Vì vậy, khắc phục những bất cập của luật hiện hành, cơ quan soạn thảo đề nghị Quốc hội thông qua chính sách cụ thể cho nghệ nhân, không chỉ dừng lại nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà tất cả các nghệ nhân khi được vinh danh, được công nhận đều được hưởng các chính sách Nhà nước đã ban hành, gồm cả sinh hoạt phí hàng tháng.
Ngoài ra, tùy theo nguồn lực của địa phương, Hội đồng nhân dân quyết định chính sách riêng để giúp nghệ nhân có điều kiện để truyền dạy tốt hơn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bảo tàng tư nhân
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, về hoạt động của bảo tàng và chính sách đối với bảo tàng tư nhân (Chương V), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, đây là Chương mới, các nội dung có kế thừa, điều chỉnh, bổ sung cụ thể hơn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của bảo tàng.
Theo đại biểu, hiện nay, chính sách cho bảo tàng ngoài công lập của nước ta đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và xu hướng phát triển, hành lang pháp lý đã có nhưng chưa rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chí xếp hạng những bảo tàng ngoài công lập.
Đồng thời, các bảo tàng tư nhân gặp khó khăn về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép hoạt động của bảo tàng ngoài công lập tại khoản 2 Điều 64 vẫn còn chung chung.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân mở bảo tàng, đồng thời tạo sự thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý.