KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (kỳ 2)

Kỳ 2: Để văn hóa trở thành ngành làm ra tiền
0:00 / 0:00
0:00
Vùng đệm của di sản cần được hiểu rộng hơn để bảo đảm việc bảo vệ và tạo không gian văn hóa, cảnh quan, phát triển các hoạt động du lịch. Trong ảnh: Cổng Bắc thành nhà Hồ. Ảnh: QUANG HƯNG
Vùng đệm của di sản cần được hiểu rộng hơn để bảo đảm việc bảo vệ và tạo không gian văn hóa, cảnh quan, phát triển các hoạt động du lịch. Trong ảnh: Cổng Bắc thành nhà Hồ. Ảnh: QUANG HƯNG

Quốc gia nào có năng lực nhận diện, bảo tồn và chuyển hóa di sản thành nguồn lực tăng trưởng, quốc gia đó nhanh chóng bước chân vào hàng ngũ các quốc gia thịnh vượng và phát triển.

Giải pháp mâu thuẫn với mục tiêu

Đến nay cả nước có 8 khu di sản đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, khoảng 130 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 4 nghìn di tích quốc gia, khoảng 10 nghìn di tích cấp tỉnh, thành phố. Có thể thấy, phía sau niềm tự hào là sự lo âu, bởi nguồn lực cần thiết để có thể duy trì bảo vệ và bảo quản những di tích nêu trên đã là những con số khổng lồ.

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã khiến di sản mang tiếng chỉ biết “tiêu tiền”, là gánh nặng của Nhà nước và cộng đồng, cả Trung ương lẫn địa phương. Có thể nêu những nguyên nhân tiềm ẩn xuất phát từ những bất cập của Luật Di sản văn hóa (hiện nay và các dự thảo sửa đổi).

Thứ nhất, Luật Di sản văn hóa đang khoanh vùng bảo vệ “cứng” để bảo quản, tu bổ, phục hồi, “đóng băng” di sản trong trạng thái hiện hữu, xa cách khỏi bối cảnh không gian và thời gian tổng thể.

Thứ hai, nhận diện không đầy đủ và chân xác cũng dẫn tới các giải pháp bảo tồn lạc hậu và mâu thuẫn với các mục tiêu bảo tồn, không chỉ làm mất đi các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên mà còn tác động vô cùng lớn đến sự mất mát về thực thể vật chất, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Hệ quả dẫn đến sự kém phát triển của công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, kinh tế du lịch và các ngành khác như thương mại, tài chính, công nghiệp và công nghệ.

Đừng tách di sản khỏi tổng thể

Hiện nay, chúng ta chủ yếu chỉ thấy hình thái bảo tồn trạng thái vật lý gồm bảo quản, tu bổ, phục hồi được sử dụng. Cũng từ đó, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gây ra rất nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện do sự khác biệt giữa nội hàm và tên gọi.

Theo thông lệ quốc tế, bảo tồn di sản không chỉ bao gồm bảo quản, tu bổ, phục hồi mà còn nhiều giải pháp khác. UNESCO có định nghĩa riêng cho khái niệm bảo tồn di sản văn hóa và bảo tồn di sản thiên nhiên: “Bảo tồn di sản văn hóa là các biện pháp được thực hiện nhằm kéo dài tuổi thọ của di sản văn hóa đồng thời tăng cường việc truyền đạt những thông điệp và giá trị di sản quan trọng”; “Bảo tồn di sản thiên nhiên đề cập đến việc bảo vệ, chăm sóc, quản lý và duy trì các hệ sinh thái, môi trường sống, các loài và quần thể động vật hoang dã, trong hoặc ngoài môi trường tự nhiên của chúng, nhằm bảo vệ các điều kiện tự nhiên cho sự tồn tại lâu dài của chúng”... Trên thế giới, quy hoạch cần được xây dựng trên quan điểm nhìn nhận di sản trong một bối cảnh tổng thể, đưa di sản trở về với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng, như tinh thần của UNESCO: “Hoạt động du lịch và bảo tồn phải có lợi cho cộng đồng chủ nhân” (Công ước quốc tế về du lịch văn hóa ICOMOS, 1999).

Theo đó, quy hoạch cần đề xuất những giải pháp có thể tạo ra, chuyển hóa di sản trở thành động lực phát triển kinh tế, tác động tích cực trực tiếp và gián tiếp đến các ngành khác, bảo đảm kết dư tài chính, đồng thời phải mở rộng khu vực nghiên cứu, những khu vực ảnh hưởng và những khu vực tương tác phát triển để đưa ra những định hướng về thiết kế đô thị, thiết kế cảnh quan nhằm bảo tồn bối cảnh văn hóa của di tích, tạo ra nguồn sinh kế cho người dân địa phương, giải phóng những nguồn lực xã hội, tạo ra tâm lý tích cực để cộng đồng tự giác bảo tồn di tích cùng các giá trị di sản vật thể và phi vật thể.

Chúng tôi đề xuất thay thế cụm từ “bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” thành “bảo tồn di sản” trong mọi văn bản pháp quy, chính sách cũng như thực tiễn áp dụng.

Nhìn nhận mới về khu vực ảnh hưởng của di sản

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc một số di tích có diện tích khoanh vùng tương đối rộng đang gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng nguyên nhân bản chất ở đây không phải quy mô khoanh vùng, mà nằm ở việc áp dụng đồng nhất các cơ chế khoanh vùng bảo vệ I và II cho tất cả các loại hình di sản với những giá trị và tiêu chí khác nhau.

Quan điểm hiện nay của UNESCO là “có thể tạo nhiều hơn một vùng đệm cho một di sản để tăng cường tính toàn vẹn và quản lý. Thí dụ, ranh giới của một khu vực để bảo tồn các điểm nhìn và bối cảnh quan trọng của khu vực đô thị có thể khác với ranh giới cần thiết để quản lý các tác động giao thông hoặc áp lực của du khách” và kiến nghị về sự hữu ích của “một khu vực ảnh hưởng (an area of influence) nằm bên ngoài vùng lõi di sản và bất kỳ vùng đệm nào” (Trích báo cáo 25 - Di sản thế giới và vùng đệm (Hội nghị Chuyên gia UNESCO, Davos, Thụy Sĩ 2008).

Trên tinh thần đó, chúng tôi đề xuất bổ sung quy định cho phép quy hoạch khoanh vùng bảo vệ được thiết lập một hoặc nhiều hơn một vùng đệm (thay vì chỉ có khu vực bảo vệ I và khu vực bảo vệ II như Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Điều này tùy thuộc vào tính chất của di sản, di tích và nhu cầu của địa phương để kết nối với các khu vực lân cận, tạo dư địa cho không gian phát triển.

Theo đó, các khu vực bảo vệ gồm các cấp độ khác nhau với từng mức độ bảo vệ và phát triển, bao gồm: khu vực bảo vệ I, tập trung bảo tồn các yếu tố gốc và bảo vệ trạng thái vật lý của di tích; khu vực bảo vệ II và vùng đệm bao gồm khu vực bảo vệ cảnh quan văn hóa, lịch sử; khu vực bảo vệ không gian tiếp cận; khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan, môi trường của di sản, di tích; khu vực tương tác phát triển bao gồm khu dân cư, tái định cư, khu dịch vụ, hạ tầng kinh tế, xã hội, kỹ thuật và du lịch.

Việc phân vùng quản lý đúng cách và lập quy hoạch bảo tồn di sản một cách tổng thể đóng vai trò nền tảng để biến ngành văn hóa từ “ngành tiêu tiền” thành “ngành làm ra tiền”, tạo ra nền móng cho “công nghiệp văn hóa” như định hướng của Đảng và Nhà nước.

Làm gì để tăng chiều sâu và tính hấp dẫn của di sản?

Ngoài việc bảo tồn các giá trị cốt lõi, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề quan trọng khác để làm tăng sức hấp dẫn và ý nghĩa của di sản với công chúng và xã hội.

Sự thiếu hụt của các loại hình di sản và thiếu kết nối với giải pháp bảo tàng hóa tại các khu di sản không chỉ hạn chế tính đa dạng và hấp dẫn của di sản mà còn ảnh hưởng đến sự thành công của các bảo tàng. Cần loại bỏ quy định về xếp hạng bảo tàng; cập nhật các loại hình bảo tàng đương đại như bảo tàng ảo, bảo tàng cộng đồng, bảo tàng sinh thái…; xây dựng các không gian trưng bày; kết nối các điểm di sản với bảo tàng một cách hợp lý và khoa học.

Bên cạnh đó, thực trạng đào lên rồi lấp lại của các địa điểm khảo cổ đang gây ảnh hưởng tới tính nguyên gốc của di tích, làm suy giảm giá trị di sản, lãng phí tài nguyên. Việc hoàn thiện Luật Di sản văn hóa cần tập trung giải quyết các vấn đề như: bổ sung cơ chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích, di chỉ sau khai quật, làm rõ việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho đội ngũ khảo cổ học và tu bổ di tích, có giải pháp hiệu quả để đào tạo và thu hút nhân tài, đồng thời xem xét lại quy định yêu cầu hoạt động khai quật khảo cổ phải gắn liền với quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác trùng tu, khai quật cần tuân thủ các nguyên tắc quốc tế, tăng cường bảo quản hiện vật và ngăn chặn nạn buôn bán cổ vật…

Các loại hình di sản được đa dạng hóa và phát triển đồng bộ, được kết nối với các không gian bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể sẽ trở thành bối cảnh lý tưởng cho các bộ phim, chương trình truyền hình, là nguồn cảm hứng bất tận cho âm nhạc, hội họa, thời trang, ẩm thực, nhiếp ảnh, công nghiệp sáng tạo, những sự kiện văn hóa đặc sắc. Các làng cổ với vẻ đẹp độc đáo sẽ quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống. Những không gian trưng bày sinh động, những câu chuyện lịch sử ly kỳ được tái hiện sẽ là nam châm hút khách du lịch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cộng đồng.

Từ bảo tồn di sản một cách chủ động, công nghiệp văn hóa cùng kinh tế di sản sẽ thật sự trở thành động lực tăng trưởng mới của đất nước, góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, thịnh vượng và rực rỡ bản sắc dân tộc.

Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (kỳ 1)