(Tiếp theo và hết)
Tiếng Việt là một ngôn ngữ trong sáng, đa dạng, phong phú, đủ chuyên biệt để gọi tên đúng thực chất và thực tiễn trong lĩnh vực di sản. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của Luật Di sản văn hóa, cần gọi tên đúng bản chất của các đối tượng điều chỉnh của dự án luật đã được nhận diện theo thông lệ quốc tế.
Đừng “bỏ qua” thành tựu tinh hoa
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO là một trong những tổ chức chuyên môn lớn của Liên hợp quốc, được thành lập vào năm 1945 nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới thông qua hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, văn hóa và thông tin.
UNESCO có quan hệ chính thức với 322 tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGO/Non-Governmental Organization). Các tổ chức này là nơi tập trung rất nhiều tinh hoa, trí thức toàn cầu hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, mà đặc biệt trong đó là ICOMOS (Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế).
Sự ra đời của Công ước 1972 về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các Hướng dẫn thực hiện Công ước là một thành tựu của nhân loại mà ngày nay vẫn không ngừng được bồi đắp, hoàn thiện, đóng góp ngày càng hữu hiệu vào công cuộc phát hiện, bảo tồn và phát triển di sản loài người và địa cầu. Với số lượng 195 quốc gia tham gia, công ước này gần như được công nhận toàn cầu, là một trong những công cụ pháp lý được phê chuẩn nhiều nhất trên thế giới.
Sẽ thật đáng tiếc khi chúng ta chậm trễ trong việc phát huy giá trị Công ước về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các nội dung vẫn đang được liên tục cập nhật.
Bức tranh thiếu cân đối
Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, khi nhìn vào danh sách 130 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng của Việt Nam sau 14 đợt xếp hạng, có thể thấy sự mất cân đối và thiếu đa dạng trong cách thức nhận diện, đánh giá tầm quan trọng của di sản các dân tộc thiểu số...
Nhìn vào thực trạng nhận diện và bảo tồn di sản văn hóa, có thể thấy đang tồn tại một khoảng cách đáng kể. Trong số 130 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, có đến 86 di tích lịch sử, chủ yếu gắn với các triều đại phong kiến miền bắc và đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, số lượng di chỉ khảo cổ liên quan đến các nền văn minh tiền sơ sử, Champa, Phù Nam đã mất đếm trên đầu ngón tay gồm Khu đền tháp Mỹ Sơn, Óc Eo - Ba Thê, Gò Tháp, tháp Chăm Dương Long, Tháp Hòa Lai, tháp Pô Klong Garai, hang Con Moong. Duy nhất một di tích thuộc về cộng đồng dân tộc thiểu số và được nhận diện là danh lam thắng cảnh chứ không phải góc nhìn văn hóa, là ruộng bậc thang Mù Cang Chải.
Bên cạnh đó, sự phân bố xếp hạng di tích cũng cho thấy sự mất cân đối về mặt địa lý. Miền bắc có đến 76 di tích, trong khi miền trung có 38 di tích và miền nam có 16 di tích. Dù rằng, việc xếp hạng di tích cần dựa trên các tiêu chí khách quan nhưng sự thiếu cân bằng trong việc nhận diện di sản cho thấy công tác đánh giá chưa có cái nhìn toàn diện đối với các giá trị phổ quát mang tính nhân loại như đã nêu… Sự thiếu vắng tiếng nói từ người dân tộc thiểu số, từ giới khảo cổ hay từ các cộng đồng khác biệt đã dẫn đến bức tranh di sản thiếu cân đối và chưa phản ánh trọn vẹn sắc mầu văn hóa Việt Nam vốn rất đa dạng và phong phú.
Trong các kỳ trước, chúng tôi đã phân tích một số nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối trong nhận diện và bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam, xuất phát từ các quy định trong Luật Di sản văn hóa. Một trong những vấn đề nổi bật là cách thức phân loại nhóm di tích quá thiên lệch về di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, trong khi các loại hình di sản khác chưa được quan tâm đúng mức. Các khái niệm trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng mới chủ yếu nhấn mạnh vào các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, chưa nhắc tới nhiều loại giá trị khác của di sản theo Công ước và thông lệ quốc tế như biểu tượng, dân tộc học, nhân chủng học, khảo cổ, thẩm mỹ, kỹ thuật, xã hội và các giá trị khác.
Việc đưa cảnh quan văn hóa trở thành một loại hình di sản độc lập trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chính là chìa khóa cho việc bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc thiểu số. Bằng cách ghi nhận cảnh quan văn hóa, những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số như các di sản quần cư (buôn, sóc, làng, bản), cọn nước, nhà rông, nhà gươi, nhà sàn sẽ được tôn vinh và bảo tồn một cách xứng đáng.
Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh khi nhắc về vai trò của văn hóa: Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Chiểu theo tinh thần này, Luật Di sản văn hóa chính là “đạo”, là con đường. Đầu tư cho việc nâng cao chất lượng luật là cách tốt nhất để chấn hưng văn hóa một cách hữu hiệu, cũng là cách chính đáng nhất để “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.
Mục tiêu lớn trong xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trong phần cuối của bản thảo cuốn “Nhật ký trong tù”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. 1-Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2-Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3-Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4-Xây dựng chính trị: dân quyền. 5-Xây dựng kinh tế”.
Thiết nghĩ những nội dung nêu trên đã làm sáng tỏ mục đích, tôn chỉ trong xây dựng Luật Di sản văn hóa. Để làm được những điều trên, cần “phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; có cơ chế, chính sách để huy động sức mạnh tổng hợp cho phát triển; đổi mới cách làm để tạo ra nguồn lực, động lực mới, truyền cảm hứng cho toàn xã hội phát triển” như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2024…
Để làm tăng hiệu quả của pháp luật, đưa pháp luật vào đời sống, hữu ích trong thực hành công cuộc bảo tồn di sản, việc bảo đảm chất lượng của dự án Luật Di sản văn hóa không đơn thuần chỉ dừng lại ở hoàn thiện câu chữ mà cần có những nghiên cứu chuyên đề nghiêm túc, trên tinh thần cầu thị, đổi mới, chí công vô tư. Trước tiên, cơ quan trực tiếp soạn thảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhưng cộng đồng các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí không thể đứng ngoài lề.
Trên hết, việc xây dựng luật cần quán triệt tinh thần hội nhập sâu rộng với quốc tế theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị trong nhận thức và hành động. Khi khung pháp luật về di sản của Việt Nam tương đồng với thế giới cũng là giải pháp tạo ra nguồn lực, trước sẽ giảm được những xung đột về hệ thống làm lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của Nhà nước và người dân, sau sẽ kế thừa được thành tựu nhân loại để bảo tồn bền vững di sản, chuyển hóa di sản trở thành động lực tăng trưởng mới.
Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (kỳ 1)
Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (kỳ 2)