Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (Kỳ 1)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Tiếp nối bài “Sửa Luật Di sản văn hóa cần tham khảo quốc tế” trên báo Thời Nay số 1473 ngày 26/2/2024, chúng tôi giới thiệu loạt bài “Nhận diện đủ hơn để hoàn thiện Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)”, mong góp thêm ý kiến để các đại biểu Quốc hội tham khảo làm cơ sở góp ý kiến hoàn thiện Luật.
0:00 / 0:00
0:00
Cần mở rộng khái niệm Di sản để bao quát và có chiến lược bảo tồn hiệu quả hơn các di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản các dân tộc thiểu số... Ảnh: Nhà hát Lớn - một biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Ảnh: QUANG HƯNG
Cần mở rộng khái niệm Di sản để bao quát và có chiến lược bảo tồn hiệu quả hơn các di sản đô thị, di sản nông thôn, di sản các dân tộc thiểu số... Ảnh: Nhà hát Lớn - một biểu tượng văn hóa của Hà Nội. Ảnh: QUANG HƯNG

Kỳ 1: Chậm “luật hóa” nhiều loại hình di sản

Nhận diện di sản là một quá trình ảnh hưởng sâu sắc đến việc hình thành các giải pháp bảo tồn và lưu giữ được giá trị của các di sản. Tại nhiều nước, các di sản đô thị, nông thôn, công nghiệp được nhận diện rất rõ ràng và bảo tồn tốt để đề cử di sản thế giới UNESCO. Đây là những đóng góp quan trọng để khiến các quốc gia nêu trên trở thành những quốc gia đứng đầu về số lượng di sản thế giới được UNESCO ghi danh.

Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, hiện cả nước có hơn 40.000 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Trong đó, hơn 3 nghìn di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, hơn 5 nghìn di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Tuy vậy, số lượng lớn này không phản ánh đúng và đủ sự phát triển thực chất của chuyên ngành quản lý di sản vật thể. Trên bình diện quốc tế, các di sản vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh thiếu về số lượng và yếu về tốc độ tăng trưởng so tiềm năng hiện có; cũng như so các nước có điều kiện địa lý và văn hóa tương đồng… Trong khi di sản phi vật thể, di sản tư liệu ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng di sản được UNESCO ghi danh do tương thích, được cập nhật các quy định theo thông lệ và công ước quốc tế thì với di sản vật thể đang có chiều hướng ngược lại.

Có nhiều lý do, nhưng dễ nhận biết nhất là Luật Di sản văn hóa của ta có nhiều điểm không tương thích với công ước quốc tế. Ở ta, nhiều di sản thiên nhiên, cảnh quan văn hóa, di sản đô thị, di sản nông thôn (trong đó có rất nhiều các quần cư di sản các dân tộc thiểu số), di sản nông nghiệp, di sản công nghiệp và nhiều loại hình di sản vật thể khác theo thông lệ quốc tế chưa được thừa nhận và gọi tên đúng bản chất. Do đó đã bị hủy hoại một phần hoặc hoàn toàn.

Thiếu các nhóm di sản nói chung

Công ước 1972 về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới mà Việt Nam là một quốc gia thành viên có các quy định riêng về “di sản văn hóa” tại Điều 1 và “di sản thiên nhiên” tại Điều 2; đồng thời Điều 3 yêu cầu các quốc gia thành viên phải xác định và phân định các di sản tương ứng với Điều 1 và Điều 2.

Tại Việt Nam, Pháp lệnh số 14-LCT/HĐND ngày 4/4/1984 (được ban hành trước thời điểm Việt Nam gia nhập Công ước) có liệt kê các địa điểm di sản bao gồm 2 nhóm là (1) di tích lịch sử, văn hóa và (2) danh lam thắng cảnh. Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi năm 2009) vẫn giống như Pháp lệnh 1984, các địa điểm di sản vẫn bao gồm 2 nhóm là (1) di tích lịch sử, văn hóa và (2) danh lam thắng cảnh được gọi chung là di tích. Đáng tiếc, cho đến nay dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), vẫn không thấy có tiến bộ trong vấn đề này.

Theo Công ước 1972, di sản văn hóa thế giới liệt kê gồm 3 nhóm: các di tích (monuments), nhóm các công trình/quần thể (groups of buildings), và các địa điểm (sites).

Nửa thế kỷ sau khi thế giới đạt được đồng thuận, chúng ta vẫn chưa hoàn tất việc nội luật hóa 3 nhóm di sản văn hóa cơ bản nhất được liệt kê tại Công ước 1972: các di tích (monuments), nhóm công trình (groups of buildings), và các địa điểm (sites). Trong khi đó, nhận thức của thế giới đã tiến đi rất xa, ngày càng theo hướng tổng thể và di sản sống.

Theo các tiến bộ của nhân loại, di sản văn hóa được nhận diện đã được mở rộng hơn nhiều so cách thức liệt kê ban đầu khi các quốc gia cùng nhau ký kết Công ước. Đến năm 2004, Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) liệt kê toàn bộ các di sản văn hóa và hỗn hợp đã được UNESCO ghi danh để kiểm đếm lại các loại hình di sản văn hóa, họ đã xác định 3 nhóm nêu trên gộp lại chỉ là 1 trong 7 nhóm lớn…

Khoảng trống Cảnh quan văn hóa…

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) không xác định Cảnh quan văn hóa là một loại hình di sản riêng, mà được hiểu là cảnh quan của di tích và không gian văn hóa chung quanh. Cũng vì cách hiểu này, mà dự thảo không có các quy định dành riêng cho Cảnh quan văn hóa, và sử dụng cụm từ “cảnh quan văn hóa” rải rác bên dưới với tư cách cảnh quan cần được bảo vệ chung quanh di tích.

Cách hiểu trên khác biệt hoàn toàn về bản chất, theo UNESCO, Cảnh quan văn hóa là một loại hình di sản độc lập mới được bổ sung vào quy trình ghi danh World Heritage Sites (Di sản thế giới) năm 1992, bên cạnh Di sản văn hóa, Di sản thiên nhiên, Di sản văn hóa và thiên nhiên hỗn hợp. Di sản thế giới đầu tiên được công nhận với tư cách là Cảnh quan văn hóa là Ruộng bậc thang vùng Cordillera, Philippines, được UNESCO ghi danh vào năm 1995.

Cảnh quan văn hóa theo định nghĩa tại phần II.A. Định nghĩa Di sản thế giới (Chương II. Danh mục di sản thế giới); Hướng dẫn thực hiện Công ước năm 2023 như sau “Cảnh quan văn hóa được ghi danh trong Danh mục Di sản thế giới là các di sản văn hóa đại diện cho “các thành quả kết hợp của thiên nhiên và con người” được chỉ định tại Điều 1 của Công ước. Chúng thể hiện sự tiến hóa của xã hội con người và quá trình cư trú qua thời gian, dưới tác động của những giới hạn vật chất và/hoặc cơ hội của môi trường thiên nhiên và từ các lực lượng xã hội, kinh tế, văn hóa kế tiếp nhau, từ bên ngoài và bên trong”…

Khi không nhận thức được chính xác vai trò của Cảnh quan văn hóa, chúng ta đã, đang và sẽ mất đi các di sản này trên cả thực địa và danh hiệu. Bài học nhãn tiền là, sau nhiều lần UNESCO và ICOMOS nhắc nhở Việt Nam phải coi Di sản Quần thể di tích Cố đô Huế là một Cảnh quan văn hóa và mở rộng các ranh giới nhưng không được thực hiện, tiêu chí (iii) tại Giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản đã bị xóa bỏ trong phiên họp thứ 38 tại Doha vào tháng 6/2014. Và như đã nêu, từ năm 2014 tới nay, đã 10 năm, Việt Nam không được UNESCO ghi danh thêm bất cứ một di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới nào.

Chúng tôi đề xuất về các đối tượng điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nên liệt kê đủ các đối tượng di sản văn hóa phi vật thể; di sản văn hóa vật thể; di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; cảnh quan văn hóa; các di sản quần cư và các nhóm di sản văn hóa vật thể khác tương tự như thông lệ quốc tế.

Nếu tên gọi Luật Di sản văn hóa không mang được đầy đủ nội hàm này, cần cân nhắc đổi tên thành Luật Di sản, để đáp ứng mục tiêu bảo tồn toàn vẹn hệ thống di sản quốc gia thay vì chỉ chú mục vào đối tượng điều chỉnh là di tích hoặc biến tất cả các di sản thành di tích, danh lam thắng cảnh theo nghĩa hẹp như dự thảo.

Tương tự Di sản văn hóa và thiên nhiên, Cảnh quan văn hóa cũng được mô tả và tiêu chuẩn hóa thành các nhóm cụ thể được UNESCO ghi danh Di sản thế giới (WHS), bao gồm: (i) Cảnh quan được xác định rõ ràng do con người thiết kế và tạo ra một cách có chủ ý; (ii) Cảnh quan phát triển hữu cơ; (iii) Cảnh quan văn hóa kết hợp.