Theo Sở Văn hóa tỉnh Hòa Bình, qua kiểm kê tại huyện Mai Châu về di sản văn hóa trang phục truyền thống dân tộc H’Mông cho thấy, hiện nay, bên cạnh trang phục truyền thống, xuất hiện những trang phục bán sẵn, các hoa văn in và thêu máy được nhập từ nơi khác về bán trên thị trường.
Do có hoa văn và kiểu dáng khác so với trang phục bản địa cho nên người dân không còn dùng váy do mình tự thêu dệt mà chuyển sang mặc những chiếc váy may sẵn được bày bán ở chợ. Điều này dẫn đến việc mất đi bản sắc văn hóa truyền thống của tộc người. Số người lưu giữ lại nghề truyền thống, tri thức dân gian và kỹ thuật thủ công tạo ra bộ trang phục truyền thống ngày càng ít đi.
Theo truyền thống, trang phục đồng bào H’Mông ở Hang Kia có mầu sắc chủ đạo là mầu đỏ và được trang trí trên nền vải lanh nhuộm chàm. Trong đó, trang phục nam giới được làm từ vải lanh, mầu chàm hoặc mầu đen.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, trang phục nam “tro dờ” có tay áo dài, thân áo được may ngắn hở từ 8 đến 10cm bụng... Quần nam “tri” được may từ vải lanh. Quần được may dáng rộng ống xòe, được ghép từ bốn mảnh vải to gọi là “trê tri” tạo thành phần thân ống quần, một mảnh vải vuông gọi là “tàu tri” làm đũng quần và một mảnh làm cạp quần. Trên trang phục có dây buộc thắt lưng dùng để buộc trên phần cạp quần, khi buộc để hai đầu dây dài khoảng 30cm ở giữa trước bụng.
Còn trang phục của người phụ nữ H’Mông ở Hang Kia gồm váy, áo, yếm, xà cạp, thắt lưng. Váy “ta” có hình nón cụt, xếp nếp, xòe rộng. Váy được làm từ vải lanh nhuộm chàm.
Váy gồm cạp váy, dưới phần cạp hông, thân váy và chân váy,... Xen kẽ các phần vẽ sáp ong ở thân váy, trang trí thêm các phần đắp ghép hoa vải chủ yếu là hình vuông, hình quả trám. Phần chân váy “tang ta” thêu theo kiểu chữ thập gọi là “lơ” hoặc thêu theo kiểu đan gọi là “lơ ha” thể hiện các họa tiết hình học, hoa, mặt trời sinh động. Đồ trang sức cổ truyền của người H’Mông ở Hang Kia chủ yếu làm bằng bạc, đến nay còn sử dụng thêm đồ trang sức bằng hợp kim nhôm, kẽm, đồng gồm khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn...
Bên cạnh đó, trang phục đồng bào H’Mông tại Pà Cò sử dụng mầu chủ đạo là xanh và đen, các mầu sắc khác như vàng, đỏ được phối sử dụng thêm trong trang trí họa tiết. Dựa vào mầu sắc chủ đạo có thể phân biệt rõ nét được người H’Mông ở Hang Kia và người H’Mông tại Pà Cò. Nghệ thuật tạo hình dân gian khiến trang phục thổ cẩm phụ nữ H’Mông nổi bật trong sắc màu thiên nhiên núi rừng.
Nó thể hiện sự cần cù, chăm chỉ, đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của người phụ nữ, đồng thời phản ánh những giá trị văn hóa, thẩm mỹ, góp phần tạo thêm sự phong phú, đa dạng trong đời sống văn hóa, nghệ thuật, tinh thần của người H’Mông huyện Mai Châu. Qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài đã trở thành một sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của tộc người...
Di sản văn hóa trang phục truyền thống dân tộc H’Mông ở huyện Mai Châu đang đứng trước sự xuất hiện những sản phẩm ngoại lai mới và sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người dẫn đến sự biến đổi trong trang phục truyền thống của người H’Mông.
Trước thực trạng nêu trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục dân tộc H’Mông; lựa chọn danh mục tiêu biểu, đặc sắc về di sản văn hóa phi vật thể về trang phục dân tộc H’Mông để xây dựng hồ sơ di sản văn hóa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới.