Bảo tồn bản sắc trang phục truyền thống các dân tộc

NDO - Sáng 19/11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay".
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham gia hội thảo.
Các đại biểu tham gia hội thảo.

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam trong đó có bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; nâng cao nhận thức về ý nghĩa, giá trị của trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số cũng như công tác bảo tồn, gìn giữ trong xu hướng giao lưu, ảnh hưởng văn hóa; đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…

Các đại biểu, nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý về văn hóa dân tộc thiểu số, nghệ nhân, đại diện đồng bào các dân tộc… tập trung thảo luận các nội dung: Những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay; những yêu cầu mới để trang phục các dân tộc đáp ứng được sự hài hòa và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa;

Giải pháp kết hợp truyền thống và hiện đại trong bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; giải pháp khuyến nghị phục hồi trang phục truyền thống đối với các dân tộc không còn giữ được trang phục truyền thống; chính sách góp phần bảo tồn phát huy trang phục các dân tộc trong tình hình mới.

Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên thực trạng và thách thức từ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa tác động đến trang phục của đồng bào. Bà con ngại mặc trang phục truyền thống dân tộc mình, kỹ thuật dệt, thêu dần mai một, rất ít người còn trồng bông, dệt vải, tự túc đồ mặc, nguy cơ mai một trang phục trong thời đại công nghệ 4.0…

Trước xu hướng tất yếu của bảo tồn và sự phát triển, Tiến sĩ Nguyễn Thị Song Hà, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị về mặt xã hội tộc người.

Vì vậy cần khích lệ, động viên bà con dân tộc thiểu số luôn luôn tự hào khi mặc trang phục truyền thống của dân tộc, đặc biệt vai trò của thế hệ trẻ, ý thức trách nhiệm rõ ràng, sâu sắc hơn trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

Trưởng khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hoá Hà Nội Nguyễn Anh Cường mong muốn, khi sử dụng trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, nên sử dụng những bộ trang phục nguyên bản, tránh những trang phục cách tân, cải biến, lai căng, biến đổi quá nhiều. Đây là cách bảo tồn tốt nhất trang phục truyền thống của bà con dân tộc thiểu số.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và công nghệ 4.0 đang tạo ra thách thức với công tác bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ góc nhìn: Nên áp dụng thành tựu công nghệ 4.0 để lưu giữ, bảo tồn trang phục, từ đó lan tỏa sự biểu đạt đa dạng của trang phục các dân tộc, tạo nên sự tôn trọng bản sắc đa dạng các dân tộc khác nhau.