Chuyển dịch cơ cấu kinh tế làng nghề

Với hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, những năm qua các làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.
0:00 / 0:00
0:00
Lao động làm sản phẩm truyền thống tại làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: DUY KHÁNH)
Lao động làm sản phẩm truyền thống tại làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. (Ảnh: DUY KHÁNH)

Cùng với việc giải bài toán tăng thu nhập, trong chính sách phát triển làng nghề, các ngành chức năng thành phố Hà Nội đã chú trọng một số chính sách về đào tạo nghề, truyền nghề, dự án hỗ trợ phát triển ngành nghề.

Sự phát triển của các làng nghề ở Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế… Hầu hết doanh nghiệp tại các làng nghề của Hà Nội đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít khó khăn

Các chính sách hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các làng nghề, giảm ô nhiễm môi trường, đã và đang giúp các làng nghề trở thành những điểm văn hóa hấp dẫn, thu hút khách du lịch.

Có thể kể tới sản phẩm của các làng nghề như: Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ); nón làng Chuông (huyện Thanh Oai); sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Ðộng (huyện Thường Tín); lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông); gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)…

Ðiển hình, tại huyện Hoài Ðức có 51/53 làng có nghề với nhiều nghề truyền thống, trong đó Sơn Ðồng là một trong 12 làng nghề truyền thống đã được thành phố Hà Nội công nhận và hiện là điểm đến du lịch-văn hóa hấp dẫn đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề ở Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế… Hầu hết doanh nghiệp tại các làng nghề của Hà Nội đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít khó khăn. Ðó là, thiếu mặt bằng sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo được nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm.

Ðáng lo là, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng về nguồn nước, không khí, tiếng ồn, do hầu hết sản xuất tại nhà xen lẫn với sinh hoạt hằng ngày và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa tốt đã ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được quan tâm do phần lớn các cơ sở sản xuất chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, mang tính thị trường mà ít chú trọng tới phát huy giá trị truyền thống của sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất, kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển du lịch, Sở Công thương Hà Nội đã quyết định công nhận mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch cấp xã năm 2023.

Ðặc biệt, để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, hiện thành phố đang triển khai xây dựng Ðề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo dự thảo Ðề án, thành phố Hà Nội đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan.

Cùng với cơ chế, chính sách, Dự án hỗ trợ, phát triển sản xuất, nâng cao năng lực giá trị cạnh tranh… nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề bền vững, các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở các địa phương cần bám sát thực tiễn, từ đó tiếp tục chú trọng xây dựng chính sách phù hợp đặc thù làng nghề. Trong đó, một trong những vấn đề trọng tâm, cấp bách là hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền.

Cần rà soát lại cơ chế, chính sách để phát triển làng nghề, xây dựng cảnh quan môi trường làng nghề, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; xây dựng môi trường làng nghề xanh-sạch-đẹp. Chúng ta cần chú trọng mục tiêu phát triển, bảo tồn các làng nghề phải gắn với phát triển du lịch địa phương.