Nhộn nhịp làng nghề mùa nước nổi

Cứ khi mùa nước nổi về, các làng nghề ngư cụ ở Đồng Tháp lại nhộn nhịp hẳn. Và lúc con nước tràn đồng, hàng chục nghìn chiếc lọp, tay lưới đã được làm ra và bán đi khắp nơi.
0:00 / 0:00
0:00
Nghề làm ngư cụ đánh bắt cá mùa nước nổi đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định.
Nghề làm ngư cụ đánh bắt cá mùa nước nổi đã giúp nhiều gia đình có nguồn thu nhập ổn định.

Những chiếc lọp, tay lưới… là ngư cụ quen thuộc dùng để đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Làm ngư cụ vừa giúp tăng nguồn thu nhập, vừa “giữ lửa” nghề truyền thống của địa phương.

Thanh âm mùa nước nổi

Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, từ lâu được biết đến là nơi có nhiều làng nghề làm ngư cụ. Khi con nước thượng nguồn ở Đồng bằng sông Cửu Long tràn vào các cánh đồng cũng là lúc chúng tôi tìm đến làng nghề đan lọp xã Hòa Long, huyện Lai Vung, nơi nổi tiếng nhất vùng với nghề đan lọp tép. Mới 7 giờ sáng, ông Lê Đức Hy, ngụ ấp Long Bình, xã Hòa Long, huyện Lai Vung và các thành viên trong gia đình đã bắt tay vào làm lọp. Lúc này trời đã nắng lên, ông mang nan ra phơi rồi vào nhà chẻ nan và một số công đoạn khác. Ông Hy làm nghề lọp tép từ năm 1976 đến nay, hiện trong gia đình ông có bốn người theo nghề này. Gia đình ông sản xuất cả ba loại lọp, trong đó lọp trúc loại 1 dài 30 hoặc 32 cm, là loại lọp tốt nhất với giá 27.000 đồng/lọp.

Từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm là thời gian lọp được bán chạy nhất. Vài tháng nay, nhà ông Hy đã bán được khoảng 15.000 cái lọp. Khách hàng mua lọp không chỉ ở Đồng Tháp mà còn đến từ nhiều huyện của các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh và một số tỉnh miền trung. Giơ cái lọp có giá 27.000 đồng khoe với chúng tôi, ông Hy bảo: “Một khách hàng ở tỉnh Long An vừa đặt tôi 1.000 cái lọp về để đặt lọp tép, khoảng 5 đến 7 ngày tôi sẽ giao đủ. Còn khách hàng ngụ tỉnh Bến Tre và tỉnh Trà Vinh cũng vừa đặt loại lọp giá 14.000 đồng/lọp về đặt bắt cá bống đen ở các bụi dừa nước”. Cao điểm như mùa nước nổi này, mỗi ngày ông thức đến 12 giờ đêm để làm. Hết mùa nước nổi, gia đình ông kiếm được khoảng 50 triệu đồng. Bình quân mỗi lọp giá 27.000 đồng, thu về tiền lời 6.000 đồng/lọp.

Nghề làm lọp được các hộ sản xuất quanh năm. Những người dân làm nghề này, chỉ nghỉ khi dịp Tết đến Xuân về hoặc có công việc gia đình. Từ đầu tháng 8 đến nay, các hộ gia đình làng nghề lọp cua tại ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang tất bật ngày đêm để kịp giao cho khách. Hiện làng nghề này còn hơn 15 hộ tham gia sản xuất. Những ngày qua, gia đình chị Phạm Ngọc Thúy, ngụ ấp Bình Thành B, dù làm ngày lẫn đêm vẫn không đủ số lượng lọp giao cho khách.

Tại xã Long Hậu, huyện Lai Vung và xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, nghề làm lưới đánh bắt cá (phần nhiều là lưới bắt cá rô, cá linh) cũng đang vào cao điểm. Ngoài công việc đồng áng, nhiều người dân có thêm thu nhập từ nghề này. Hiện nay có máy kẹp chì, máy cán chì và một số máy móc khác được trang bị, giúp các hộ dân sản xuất lưới nhanh và nâng cao năng suất lao động. Mỗi ngày, một hộ sản xuất có thể làm được từ 400 đến 500 khúc lưới. Anh Huỳnh Thanh Bình, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung cho biết: “Cứ vào mùa nước nổi, thu nhập bình quân mỗi tháng của tôi từ 7 triệu đồng trở lên. Bình thường tôi thu nhập chừng 5 triệu đồng/tháng”.

“Giữ lửa” làng nghề

Tại các làng nghề làm ngư cụ, số hộ sản xuất và số lượng người tham gia nghề còn ít. Nếu cách đây mười năm, làng nghề lọp cua tại ấp Bình Thành B có khoảng 70 hộ đan lọp thì nay chỉ còn hơn 15 hộ. Nguyên nhân chính dẫn đến hộ làm lọp cua ít dần qua từng năm là do nguồn lợi thủy sản ở vùng Tây Nam Bộ ngày càng cạn kiệt. Để làm ra một chiếc lọp phải qua nhiều công đoạn gồm chẻ trúc và phơi nắng, chuốt nan, chà bóng, dệt nan, bện hom, uốn đáy… Mỗi chiếc lọp sau khi được ráp thành phẩm, bán ra thị trường thì hộ sản xuất lời được từ 5.000 đến 7.000 đồng. Dù vậy, người dân nơi đây, đặc biệt là người trung niên và những người cao tuổi vẫn đắm đuối với công việc của mình, góp phần “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống.

Nghề đan lọp tép tại xã Hòa Long được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2003. Trải qua hơn 50 năm hình thành, hiện số hộ dân theo nghề không còn nhiều như trước. Trước đây, nghề này mang lại nguồn thu nhập chính cho gần 300 hộ dân, nhưng hiện nay nơi đây chỉ còn khoảng 50 hộ theo nghề, tập trung nhiều ở hai ấp Long Bình và Long Hội. Mỗi mùa nước nổi, làng nghề cho ra thị trường hàng chục nghìn cái lọp. Nhờ đặc điểm là nghề thủ công, phải làm nhiều công đoạn nên sản xuất lọp tép có thể giải quyết việc làm cho nhiều thành phần lao động. Ngoài việc đồng áng, tận dụng thời gian trống, các hộ làm thêm nghề sản xuất lọp để có nguồn thu nhập lo cho con ăn học. Ngoài giờ học, những đứa trẻ trong độ tuổi học sinh cũng tham gia một số công đoạn làm lọp để sau đó ráp lại hoàn thiện giao cho khách.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Long Võ Phước Minh cho biết: Nghề làm lọp góp phần lớn trong việc tạo thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống. Không ít hộ dân kiên trì bám trụ để giữ làng nghề. Song song làm lọp lớn, chính quyền địa phương cũng tư vấn người dân nên làm thêm những ngư cụ nhỏ (hàng mẫu trưng bày sản phẩm) để đưa vào lễ hội, quảng bá đến du khách về làng nghề truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, gia đình nào có nhu cầu, có phương án sản xuất rõ ràng, Ủy ban nhân dân xã sẵn sàng tạo điều kiện để tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các dự án, tiểu dự án hỗ trợ sinh kế.

Sản xuất lọp, lưới giờ không còn là nguồn thu nhập chính của hộ dân, nhưng giúp giải quyết tốt nhu cầu việc làm trong thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập. Và hơn thế, nghề làm ngư cụ này luôn được người dân giữ gìn và trao truyền, để mỗi khi mùa nước nổi, làng nghề lại rộn ràng.