Sinh sống và gắn bó với mảnh đất Đông Hồ, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là đời thứ 20 của dòng họ Nguyễn Đăng làm tranh dân gian Đông Hồ. Sau hơn 60 năm trăn trở, bảo tồn, gìn giữ nghề tranh, sưu tầm, phục chế và sáng tác nhiều mẫu tranh mới, tháng 4 vừa qua, gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã khai trương mở rộng nhà trưng bày tranh dân gian Đông Hồ, lưu giữ khoảng 400 bộ ván in, trong đó có những bản khắc cổ niên đại hơn 200 năm.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế chia sẻ: Tôi rất vui vì sau 32 năm ấp ủ, sưu tầm tư liệu, hiện vật và tích lũy nguồn lực, gia đình đã hoàn thiện phòng trưng bày để giới thiệu về lịch sử làng nghề, về dòng tranh Đông Hồ, đặc biệt là hiện vật, tư liệu của dòng họ với mong muốn đưa tranh đến gần hơn với công chúng.
Từ tháng 11/2023 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức 2 chợ phiên tái hiện không gian chợ tranh Đông Hồ tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ. Trong không gian đậm đà bản sắc làng quê Kinh Bắc, tại không gian chợ tranh, du khách không chỉ được ngắm nhìn, mua về những bức tranh dân gian mà còn được tìm hiểu về nghề làm tranh, từ khâu nguyên liệu cho tới các công đoạn để có được một bức tranh hoàn chỉnh.
Trung tâm Bảo tồn di tích và xúc tiến du lịch tỉnh cũng đã kết nối, tổ chức chương trình ký kết về phát triển du lịch, quảng bá tranh dân gian Đông Hồ với một số công ty du lịch để đưa du khách đến với làng tranh ngày một nhiều hơn. Có thể thấy, đây là những hoạt động tích cực của Bắc Ninh trong công tác bảo tồn, phát triển nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trước nguy cơ mai một, cần bảo vệ khẩn cấp.
Vào thời kỳ cực thịnh trước năm 1944, tại Đông Hồ có 17 dòng họ cùng tham gia sản xuất tranh. Hiện trong làng chỉ còn ba dòng họ giữ được nghề của cha ông với khoảng 30 người trực tiếp gắn bó với nghề, còn lại, hầu hết người dân địa phương đã chuyển sang làm hàng mã.
Từ năm 2013, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Tranh dân gian Đông Hồ lưu giữ hồn dân tộc, điều đó khiến những người đang sống trong đời sống đương đại phải suy nghĩ, bởi nếu không gìn giữ được dòng tranh quý này là có lỗi với dân tộc. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam nỗ lực phối hợp cùng với tỉnh Bắc Ninh hoàn thiện các thủ tục liên quan và hy vọng hồ sơ Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ sớm được đệ trình lên UNESCO xem xét công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Trên thực tế, muốn làm sống dậy, hồi sinh nghề làm tranh Đông Hồ là câu chuyện không thể một sớm một chiều. Bên cạnh sự vào cuộc của Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự góp sức của các nghệ nhân thì rất cần đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa để việc hồi sinh tranh dân gian thêm hiệu quả và bền vững, trong đó, có việc gìn giữ, khơi lại truyền thống chơi tranh của người Việt, để dòng tranh in từ ván khắc gỗ do người dân làng Đông Hồ sáng tạo, sản xuất và phát triển sẽ đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.