Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thảo luận tại Tổ 10, các ý kiến quan tâm góp ý về các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Quỹ phát triển đất, Tổ chức phát triển quỹ đất...
Xóa tư duy mua bán trong đền bù thu hồi đất
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp cho biết, tại những hội nghị lấy ý kiến cử tri, có một nội dung rất được quan tâm là bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đại biểu Lê Minh Hoan - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu thảo luận. |
Theo Bộ trưởng, nội dung này tưởng đơn giản nhưng lại là vấn đề nhức nhối nhất, mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới.
Theo quy định của dự thảo Luật, hằng năm, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành bảng giá đất (trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra, xây dựng đơn giá bồi thường) nhưng quá trình thực hiện trên thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu.
Theo Bộ trưởng, việc bồi thường không chỉ căn cứ vào bảng giá đất, mà cần phải tính đến nhiều vấn đề như sinh kế, không gian sống, không gian học tập, phong tục tập quán… của người bị thu hồi đất.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). |
Bộ Trưởng Lê Minh Hoan lấy dẫn chứng việc có trường hợp người dân kiến nghị nơi tái định cư, nơi ở mới có hạ tầng tốt hơn nơi ở cũ nhưng tổng số tiền được đền bù lại không mua được chỗ ở mới.
Trong khi đó, nếu vào nơi ở mới cũng khiến cuộc sống người dân đảo lộn, hàng xóm mới, nghề nghiệp mới… nên không đơn giản để chúng ta định nghĩa thế nào là bằng hay tốt hơn nơi ở cũ.
“Tại sao chúng ta lo hết cho người dân, cho sự phát triển của địa phương mà người dân lại phản ứng, thậm chí là xung đột. Do đó, tôi thấy đây là vấn đề lớn nên đề nghị có một nghị định tập huấn cho đội ngũ đền bù, giải phóng mặt bằng”, Bộ trưởng nói và cho rằng đây mới là khâu quyết định chứ không phải là bảng giá đất.
Theo Bộ trưởng, cần có cách tiếp cận mới trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Chừng nào còn tư duy mua bán trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chừng đó sẽ thất bại.
“Vì vậy, lãnh đạo địa phương cần phải ngồi lại với người dân, khảo sát từng hộ gia đình một, phải lắng nghe ý kiến người dân chứ không phải ban đền bù chỉ lấy mặt bằng, xuống hiện trường căn ke, đo đạc rồi nhân đơn giá ra tổng kinh phí đền bù", đại biểu Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh - đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang đã khái quát về quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ trưởng cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai được toàn thể nhân nhân dân quan tâm với hơn 12 triệu lượt ý kiến.
Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm sửa đổi luật, trong đó đất đai là sở hữu toàn dân, nhà nước là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý thông qua quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, quản lý sử dụng đất… nhằm bảo đảm lợi ích nhân dân và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Việc thu hồi, giao đất, cho thuê đất, định giá đất, các chính sách tài chính về đất đai… thì luật phải giải quyết được. Việc sửa luật phải khơi dậy được tiềm năng, phát huy được cao nhất giá trị của nguồn lực đất đai, đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với việc bồi thường, tái định cư, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho biết, cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư, phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân, nhưng phải gắn với văn hóa, cộng đồng.
Về vấn đề này, theo Bộ trưởng sẽ quy định nguyên tắc trong luật, phải phân cấp cho địa phương, lãnh đạo địa phương thực hiện.
Việc tái định cư cũng không cứng nhắc vì nếu “họ sẽ ở với con cái, chỉ lấy tiền cũng là một cách” hoặc “tôi có đất nơi khác, đất của anh em rồi nên tôi tự tái định cư cũng là một cách”. Ngoài ra, việc lựa chọn nơi tái định cư cũng rất quan trọng đối với người dân.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, trách nhiệm của luật đưa ra các khung, các yêu cầu, mục tiêu, mục đích nhưng chính quyền địa phương phải tham gia vào việc này.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Chắc chắn là phải bằng, còn hơn nữa thì quá tốt. Thí dụ như trên miền núi thì phong tục tập quán rất quan trọng. Với đồng bào dân tộc Mông họ thích ở trên cao nếu định cư mà đưa xuống dưới thấp thì người dân không thích, thậm chí không thể ở được. Do đó, bản sắc văn hóa của các dân tộc rất quan trọng”, Bộ trưởng nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, vấn đề xác định giá đất được rất nhiều đại biểu quan tâm. Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: Phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường.
“Thị trường sẽ thay đổi liên tục nhưng phải làm thế nào để thị trường đó là thật bởi lẽ còn có thị trường ảo. Trong luật có quy định một khoảng thời gian và các địa phương sẽ tiếp cận dần với bảng giá đất hằng năm. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định năm sau giá đất sẽ thế nào. Chỉ có địa phương mới hiểu rõ giá đất của mình, có sốt ảo hay không thì địa phương sẽ hiểu rõ nhất”, Bộ trưởng nói.
Nhấn mạnh đây là căn cứ để xác định giá đất cụ thể, sau đó mới xác định giá đất tại những vị trí khác nhau, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng như vậy, các địa phương sẽ quyết định giá đất của chính địa phương mình.
“Khi có vấn đề đột biến thì Hội đồng nhân dân tỉnh là cấp có thể điều chỉnh giá đất. Bởi khi giá đất biến đổi rất nhanh, Hội đồng nhân dân tỉnh thấy được việc đó nhưng trong luật quy định 1 năm đổi 1 lần thì cũng rất khó khăn”, Bộ trưởng nói và cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu.