Sáng 9/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo Luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 4/2023) và ý kiến nhân dân.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1/2023 đến ngày 15/3/2023 đã được các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp triển khai nghiêm túc, đồng bộ, dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, chuyên sâu, bảo đảm thực chất và hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến, các nội dung được nhân dân quan tâm góp ý là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Việc tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật được Chính phủ thực hiện ngay trong quá trình lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho UBND cấp huyện
Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, dự thảo Luật quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác.
Dự thảo Luật cũng rà soát làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; các trường hợp thu hồi đất do vi phạm để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan như Luật đầu tư, các Luật về thuế, làm rõ hành vi của cơ quan quản lý hoặc của người vi phạm.
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân cấp huyện không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân, trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an. Trường hợp không thống nhất ý kiến, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Việc quy định như dự thảo Luật nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao trách nhiệm địa phương, giảm thủ tục hành chính và có cơ chế giải quyết các trường hợp đặc thù khi chưa có sự đồng thuận hoặc có vướng mắc trong tổ chức thực hiện.
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp sáng 9/6. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho người có đất bị thu hồi
Cũng theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, một nội dung quan trọng khác nhận được nhiều ý kiến góp ý của nhân dân là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự thảo Luật nêu rõ, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở; được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường bằng tiền nếu có nhu cầu được bồi thường bằng tiền.
Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Giá đất tái định cư là giá đất cụ thể tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Dự thảo Luật bổ sung quy định hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với các trường hợp cá nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bảo đảm tính độc lập trong khâu xác định, thẩm định, quyết định giá đất
Về giá đất, dự thảo Luật làm rõ nguyên tắc định giá đất, giá đất thị trường, căn cứ định giá đất, thông tin đầu vào để xác định giá đất, các phương pháp định giá đất; bổ sung quy định về tư vấn thẩm định giá đất.
Theo đó, việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc: phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập trong các khâu xác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất.
Thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp phải bảo đảm: giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đã được công chứng, chứng thực; giá đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà không chịu tác động của các yếu tố gây tăng hoặc giảm giá đột biến
Dự thảo Luật tiếp tục quy định bảng giá đất được ban hành hằng năm để bảo đảm giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, bổ sung quy định về chuyển tiếp thực hiện theo hướng tiếp tục sử dụng bảng giá đất hiện hành đến hết 31/12/2025 để các địa phương có đủ thời gian để xây dựng, ban hành bảng giá đất mới theo quy định mới của Luật Đất đai.
Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phải phê duyệt quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết.