Mới đây, gần 100 học sinh bán trú của Trường tiểu học Bình Trưng Ðông, quận 2 đồng loạt có dấu hiệu bị ngộ độ thực phẩm, trong đó có 50 em phải nhập viện điều trị. Các học sinh này ăn trưa tại trường với món bánh canh tôm, nui xào thịt bằm; bữa xế chiều dùng món bánh su kem do nhà trường ký hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn tại thành phố đưa vào. Sau khi ăn, nhiều học sinh có biểu hiện mệt, đau đầu, nôn ói… và được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ðầu tháng 11, nhiều phụ huynh đã đến Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, quận 9 phản đối bữa ăn bán trú cho học sinh. Phụ huynh phản ánh, chất lượng bữa ăn bán trú từ đầu năm học đến nay rất thấp, thường chỉ gồm cơm trắng, trứng chiên, canh rau không thịt. Ngoài ra, khi kiểm tra hóa đơn mua thực phẩm, phụ huynh phát hiện một số thực phẩm có giá rẻ hơn nhiều lần so với giá trên thị trường; một số loại rau, củ bị dập nát vẫn đưa vào chế biến thức ăn cho học sinh.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) quận 9 đã tổ chức họp khẩn với hiệu trưởng các trường học trên địa bàn để rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức, quản lý hoạt động bếp ăn bán trú, suất ăn công nghiệp tại các trường để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Phòng GD-ÐT quận 9 đã nhận trách nhiệm về những sự việc đáng tiếc xảy ra tại Trường tiểu học Trần Thị Bưởi, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của phụ huynh và điều chỉnh ngay để nâng cao chất lượng suất ăn bán trú tại các trường học trên địa bàn…
Hiện, TP Hồ Chí Minh có khoảng hai nghìn trường học có tổ chức bếp ăn tập thể. Theo yêu cầu của Sở GD-ÐT thành phố, các cơ sở giáo dục phải chủ động phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức xét nghiệm để kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu và sản phẩm chế biến tại bếp ăn, căng-tin, suất ăn công nghiệp; phối hợp Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát các bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp, căng-tin đang hoạt động tại trường. Các trường học phải cam kết chỉ lấy nguồn thực phẩm từ các đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Ưu tiên lấy nguồn thực phẩm từ các cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận về thực hành sản xuất tốt, hệ thống quản lý ATTP ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), chứng nhận hệ thống ATTP (FSSC 22000)…
Thành phố cũng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra toàn diện ATTP. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra 685 cơ sở, phát hiện 21 cơ sở vi phạm và ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Hậu kiểm 7.399 hồ sơ, trong đó có 3.611 hồ sơ đạt (chiếm 48,8 %), 3.788 hồ sơ không đạt (chiếm 51,2 %) được chuyển sang thanh tra xử lý theo quy định…
Quản lý ATTP, nhất là trong các trường học, càng trở nên cấp thiết bởi đối tượng ngộ độc thực phẩm là học sinh đang học ở bậc mầm non, tiểu học có sức đề kháng yếu, dễ tổn thương sức khỏe. Do đó, các cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý cần nâng cao trách nhiệm thanh tra, kiểm tra và đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc giám sát bữa ăn được chặt chẽ, công khai, minh bạch. Ðồng thời, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm để tiến đến loại bỏ các cơ sở cung cấp thức ăn kinh doanh gian dối, trục lợi bất chính…