Bảo đảm an toàn thực phẩm cho cộng đồng

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối sản xuất, lưu thông và tiêu thụ thực phẩm lớn của cả nước cho nên việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân luôn là yêu cầu cấp thiết. Khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, giám sát và xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là mong muốn chính đáng của người dân trước nỗi lo chất lượng thực phẩm…
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát sản xuất rau sạch tại trang trại WinEco tại huyện Củ Chi. (Ảnh TRẦN TRUNG)
Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát sản xuất rau sạch tại trang trại WinEco tại huyện Củ Chi. (Ảnh TRẦN TRUNG)

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố. Cụ thể, rau, củ, quả chỉ đáp ứng được 30%; động vật sống khoảng 10%; thủy sản và sản phẩm thủy sản chỉ 15-20%. Phần còn lại chủ yếu có xuất xứ từ các tỉnh hoặc nhập khẩu qua nhiều đường khác nhau.

Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên kiểm tra tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn cho các khu chế xuất, khu công nghiệp, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao. Đây là giải pháp nhằm giám sát, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá bán, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố, 6 năm qua (2017-2022), kết quả lấy mẫu kiểm tra các mặt hàng tươi sống trên địa bàn thành phố cho thấy tỷ lệ vi phạm an toàn thực phẩm đang giảm dần. Theo đó, các mẫu rau, củ, quả tại các chợ đầu mối trên địa bàn thành phố có hơn 90% đạt chuẩn chất lượng và gần 10% không đạt chất lượng do có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép.

Trong chín tháng năm 2022, kiểm tra tại hơn 26.000 cơ sở, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố phát hiện hơn 2.600 cơ sở vi phạm; xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền hơn 9,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy hơn 12,7 tấn và gần 34.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện, việc kiểm soát an toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn vẫn còn nhiều trở ngại. Việc kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm, thuốc thú y, thuốc an thần... trên nông sản vẫn còn nhiều khó khăn. Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn hạn chế. Hiện chưa có quy định hướng dẫn chung từ các bộ chuyên ngành về thực hiện giám sát, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm kèm theo lô hàng nông sản, thực phẩm khi đưa vào tiêu thụ trên thị trường. Do đó, cơ quan chức năng thiếu cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp sản xuất thực phẩm giả, không bảo đảm về chất lượng. Khi lấy mẫu kiểm nghiệm các mặt hàng nông sản tươi sống có thời hạn sử dụng ngắn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố phải chờ kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định, thường mất vài ngày…

Ngày 17/10 vừa qua, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tiến hành khảo sát về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại một số địa điểm nằm trong chuỗi giá trị thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như: Chợ đầu mối Bình Điền, MM Mega Market, Co.op Extra, nông trại Nông Phát, nông trại WinEco. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, mỗi sáng, chợ đầu mối Bình Điền có gần 1.800 thương nhân và hơn 20.000 người đến giao dịch hàng hóa thì lực lượng chức năng rất khó kiểm soát an toàn thực phẩm. Do đó, phải đi từ khâu sản xuất, phải tổ chức được mạng lưới liên kết và hợp tác cũng như kiểm soát lẫn nhau. Các đơn vị bán lẻ cần tăng cường kết nối nhiều hơn với nông dân, thường xuyên chia sẻ tri thức, đưa công nghệ số, thương mại điện tử, các kiến thức đến người nông dân để họ làm ra sản phẩm chất lượng theo đúng nhu cầu khách hàng.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, chúng ta phải thay đổi tư duy từ sản xuất đến tiêu thụ và quản lý. Phải bỏ tư duy hô khẩu hiệu như: "Tháng hành động vệ sinh an toàn thực phẩm", vì đây là việc cần được thực hiện thường xuyên và liên tục, làm sao để ý thức an toàn thực phẩm ăn sâu vào tâm thức hằng ngày của mỗi người.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tập huấn, hướng dẫn người dân thực hành sản xuất an toàn trên đồng ruộng, sau đó thẩm định, cấp phép đạt tiêu chuẩn an toàn. Tiếp đó là duy trì khâu hậu kiểm, giám sát chất lượng sản phẩm. Qua theo dõi, nhận thấy kết quả rất khả quan, có hơn 98% các sản phẩm tham gia chuỗi an toàn được kiểm định đạt chất lượng. Hiện, thành phố đã cấp 616 giấy chứng nhận cho hơn 400 trang trại và cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho rằng, để bảo đảm an toàn thực phẩm cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh và giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố khác trong việc cung ứng thực phẩm cho thành phố, cả số lượng và chất lượng. Trong chuỗi an toàn thực phẩm, phải có người dẫn dắt, phải có doanh nghiệp đi đầu. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu kiểm soát an toàn thực phẩm. An toàn thực phẩm phải được thực hiện đồng bộ trong tất cả các khâu, từ sản xuất, chế biến đến phân phối kinh doanh. Thành phố kêu gọi cả cộng đồng cùng nâng cao trách nhiệm vì an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cho mỗi người.