Điều 23 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điểm mới so với Điều 11 của Luật Thủ đô năm 2012, đó là bên cạnh các chính sách phát triển mang tính khái quát đã có chính sách ưu đãi bằng biện pháp kinh tế, khi áp dụng thuế suất 5% đối với thu nhập của doanh nghiệp đầu tư trong các ngành công nghiệp văn hóa.
Tiên phong trong phát triển công nghiệp văn hóa
Đây là một trong những quy định mới và hợp lý để khuyến khích các hoạt động đầu tư vào công nghiệp văn hóa. Theo các chuyên gia, việc quy định về đối tượng được hưởng thuế là doanh nghiệp có dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa là một quan điểm tiến bộ, khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa một cách chuyên nghiệp thay cho tư duy đầu tư, kinh doanh mang tính manh mún, thiếu đồng bộ như trước.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, bên cạnh các ngành công nghiệp văn hóa, cần có chính sách ưu đãi về thuế suất đối với các nguồn thu được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu khoa học, dạy nghề có liên quan đến văn hóa để thúc đẩy sự phát triển mang tính bền vững. Mặt khác, cần có sự xác định rõ giữa đối tượng mới tham gia đầu tư vào công nghiệp văn hóa với các đối tượng đầu tư mở rộng, bởi, đối tượng mới tham gia đầu tư là đối tượng thường gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ chính sách.
TS Phạm Đắc Thi (Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) cho rằng, nguồn nhân lực chính là thành tố cấu thành công nghiệp văn hóa, quyết định trực tiếp đến quá trình xây dựng thương hiệu, chất lượng và sức mạnh cho công nghiệp văn hóa Thủ đô. Tuy nhiên, các giải pháp chủ yếu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, còn vấn đề nguồn nhân lực cho công nghiệp văn hóa hiện chưa được đề cập cụ thể. “Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, nguồn nhân lực là tài nguyên quan trọng. Phát huy tối đa sức mạnh của nguồn nhân lực sẽ góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp văn hóa. Vì thế, để phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, cần bắt đầu từ việc giáo dục, hướng nghiệp cho học sinh để sẵn sàng cho tương lai”, TS Phạm Đắc Thi cho hay.
Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, khi có giáo dục, định hướng phù hợp thì đó chính là hình thức giáo dục sáng tạo quan trọng. Hình thức giáo dục này cùng với giáo dục khoa học sẽ hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo, góp phần thúc đẩy tài năng sáng tạo, nguồn nhân lực sáng tạo trẻ, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành “kinh đô sáng tạo” của khu vực, thành phố kết nối toàn cầu.
Xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển vùng
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) dành một chương riêng quy định về Vùng Thủ đô, trong đó, đề ra năm nguyên tắc phối hợp giữa các cấp ngành, sáu chính sách ưu tiên đầu tư phát triển Vùng Thủ đô. Theo PGS, TS Tô Văn Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội, chỉ khi nào xác định rõ Vùng Thủ đô được thành lập với mục đích gì thì mới có thể thiết lập được những chính sách phù hợp đối với Vùng Thủ đô. Tuy nhiên, quy định Vùng Thủ đô trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) mới mang tính liệt kê, chưa nêu bật được khái niệm về Vùng Thủ đô, mục đích thành lập, chức năng của Vùng Thủ đô.
Ông Hòa cho rằng, quy định về khái niệm Vùng Thủ đô cần phải tính đến nhiều yếu tố: sự phát triển bền vững của cả khu vực chung quanh Thủ đô, mục đích thiết lập Vùng Thủ đô là để khuyến khích và thu hút được sự phối hợp chủ động của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chung quanh, giúp họ nhận thấy rằng việc tham gia phối hợp để thúc đẩy kinh tế-xã hội của Vùng Thủ đô là lợi ích của mỗi địa phương, chứ không phải chỉ vì sự phát triển của Thủ đô.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương cho rằng, cần xác định rõ mối quan hệ giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố của cả nước, nhất là đối với Vùng Thủ đô. Thực tiễn hiện nay chưa có cơ chế liên kết, quản lý và phát triển mối quan hệ này. Vai trò, cơ chế, trách nhiệm của Thủ đô đối với Vùng Thủ đô nói chung và các tỉnh, thành phố khác nằm trong Vùng Thủ đô cần phải được làm rõ trong Luật Thủ đô. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô như: giao thông liên vùng, đô thị xanh, đô thị tuần hoàn, đô thị số, đô thị thông minh... Dự thảo cũng cần tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô và Vùng được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng từ Hà Nội đi các thành phố, tỉnh trong vùng.
Một nội dung khác cũng được quan tâm là huy động nguồn lực tài chính, ngân sách cho Thủ đô phát triển. Các quy định về huy động nguồn lực tài chính, ngân sách được đưa ra tại Điều 37 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, liên quan tới việc huy động các nguồn lực từ các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội, nhiều ý kiến nhận định là phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đất đai khi quy định các địa phương được hưởng 100% các khoản thu từ đất mà không phải điều tiết về ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần nghiên cứu, quy định một cách phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tại dự thảo Luật đã đưa ra hai phương án về huy động nguồn lực từ các khoản thu từ đất. Trong đó, phương án 1 cho rằng, để tạo nguồn lực ban đầu cho Hà Nội cần có cơ chế đặc thù để thành phố có tiềm lực thực hiện các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của Thủ đô, Vùng Thủ đô... Do đó, cần thiết phải quy định ngân sách thành phố được giữ lại 100% các khoản thu từ đất, tiền thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Hà Nội. Các chuyên gia cho rằng, đây là phương án phù hợp hơn cả.
Sửa đổi Luật Thủ đô là cơ hội rất lớn, tạo lợi thế để Hà Nội phát triển, vươn lên tầm vóc mới, vị thế mới trong khu vực và thế giới. Thành phố Hà Nội đang tích cực phối hợp để Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sớm hoàn thiện, trình Quốc hội theo dự kiến và bảo đảm có được các quy định, chính sách sát thực tiễn, khả thi, khi thi hành sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18, 22, 25 và 29/8/2023.