Việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện nhiệm vụ này, Thành ủy Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban. Từ năm 2022 đến nay, thành phố đã phối hợp Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Luật Thủ đô (sửa đổi); làm việc với các cơ quan của Quốc hội để lắng nghe các ý kiến góp ý về các chính sách trong dự thảo Luật.
Đề xuất chín nhóm chính sách từ nhu cầu bức thiết cuộc sống
Với quan điểm Luật Thủ đô (sửa đổi) phải tạo cơ sở pháp lý giúp Hà Nội tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, giải quyết những hạn chế, bất cập hiện nay, thành phố đã đề xuất chín nhóm chính sách.
Cụ thể: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính-ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế-xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ban đầu thành phố dự kiến đề xuất 16 nhóm chính sách trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, sau khi rà soát, xem xét kỹ lưỡng, thành phố đã cô đọng lại còn chín nhóm chính sách. Các nội dung này đều dựa trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô năm 2012 và nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đời sống như: Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội quy mô lớn đồng bộ về hạ tầng; khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, thu hồi các dự án có sử dụng đất kéo dài gây lãng phí; bảo vệ và phát huy kho tàng di sản, di tích văn hóa, lịch sử; phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn mật độ dân cư đô thị lõi; tỷ lệ điều tiết ngân sách, nguồn lực đầu tư; khó khăn trong xử lý vi phạm sử dụng đất đai, trật tự xây dựng...
Xây dựng cơ chế đi trước, mở đường
Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội vào tháng 7/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô cần bám sát các chủ trương, chính sách và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị. Trong đó, thể chế hóa các quan điểm mới nhất, trực tiếp nhất, liên quan đến Thủ đô là Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, phải đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật về quy định cơ chế, chính sách đặc thù. Đồng chí chỉ rõ: Các thiết chế, chính sách đặc thù của Thủ đô có thể khác với các luật hiện hành về cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng cũng phải phù hợp quy định của Hiến pháp và phù hợp chủ trương của Đảng; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc áp dụng Luật Thủ đô và các luật chuyên ngành của Quốc hội sẽ ban hành sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực, để bảo đảm duy trì hiệu lực thi hành Luật Thủ đô.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô thực chất là một đạo luật về phân quyền. Phát triển Thủ đô không phải trách nhiệm của riêng Thủ đô, mà còn là trách nhiệm của cả nước. Vì vậy, các quy định trong Luật Thủ đô cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Trước khi thực hiện mục tiêu to lớn đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cần phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay như xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ...
Trên địa bàn Hà Nội đang có 712 dự án triển khai chậm tiến độ, tuy nhiên, chế tài hiện nay vẫn chưa đủ mạnh để có thể giải quyết triệt để. Chính vì vậy, ngoài những quy định của pháp luật hiện hành, thành phố có thể có thêm những chế tài riêng để xử lý. Hay theo như quy định của Luật Nhà ở, các dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành 20% quỹ nhà cho nhà ở xã hội nhưng với Thủ đô thì cần một chiến lược phát triển quy mô hơn để tạo đột phá. Vì vậy, cũng cần có những cơ chế đặc thù để có thể chủ động hơn trong chiến lược phát triển và điều chỉnh quy hoạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội được giữ lại và sử dụng 100% các khoản thu từ đất cho phát triển hạ tầng, hay cần quy định thêm những giải pháp để tách dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công; giải pháp phân quyền cho Thủ đô được đàm phán, quyết định vay vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; cũng như các cơ chế hợp tác và có những biện pháp kiểm soát.
(Còn nữa)
-------------------------------------
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18/8/2023.