Tạo cơ chế để Thủ đô phát triển bứt phá

Tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, đẩy mạnh phân quyền

Trong chín nhóm chính sách mà Hà Nội đề xuất tại Luật Thủ đô (sửa đổi), chính sách về tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là điểm mới đang nhận được sự quan tâm, ý kiến của các chuyên gia. Các ý kiến cho rằng, cần tinh gọn hơn nữa về bộ máy, làm rõ hơn vai trò của chính quyền thành phố trực thuộc Thủ đô.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới, nhưng chưa tạo được đột phá.`
Mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới, nhưng chưa tạo được đột phá.`

Luật Thủ đô năm 2012 không quy định cụ thể về tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội. Do vậy, thực tiễn công tác này được thành phố thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và các văn bản liên quan.

Trao quyền cho chính quyền thành phố

Hai năm trước, sự ra đời của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội đã giúp chính quyền Thủ đô tinh gọn bộ máy so với trước đây, khi thành phố không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) phường, còn bộ máy chính quyền và ủy ban nhân dân phường tăng cường tính năng động, tự chủ trong hoạt động công tác. Đồng thời, tổ chức chính quyền tại thành phố vẫn bảo đảm tính kế thừa cao, giữ được tương đối ổn định về mô hình tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 hiện đặt ra một số vấn đề như: Tổ chức chính quyền chưa đồng bộ, thống nhất giữa đô thị và nông thôn; tổ chức bộ máy chính quyền chưa thật sự tinh gọn, chưa tương ứng với nhiệm vụ, thẩm quyền được giao.

Ngoài ra, với mô hình tổ chức các cơ quan chuyên môn ở thành phố như hiện nay thì hoạt động của các sở, phòng, ban chuyên môn khó tránh khỏi chồng chéo, khó bảo đảm quản lý thống nhất, liên thông về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển ngành, không gian, hạ tầng kỹ thuật đô thị (điện, đường giao thông, thoát nước, rác thải, khu đô thị...).

Tại Chương II của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính sách thể hiện các tính đột phá như: Trao quyền cho chính quyền thành phố được quyết định điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thuộc các cơ quan thành phố; trao quyền cho Thủ đô trong tự quyết định biên chế cho các cơ quan trực thuộc, trên cơ sở tổng biên chế được Chính phủ phê duyệt...

Với điểm mới nổi bật là thành lập chính quyền thành phố trực thuộc Thủ đô bên cạnh hệ thống chính quyền hiện có là chính quyền cấp quận, huyện, thị xã, Thạc sĩ Nguyễn Mai Thuyên (Trường đại học Luật Hà Nội) cho rằng, thành phố thuộc thành phố mặc dù là đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng có rất nhiều điểm đặc thù so với đơn vị hành chính tương đương.

Do vậy, không thể và không nên áp dụng mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở các huyện, quận, thị xã vào thành phố thuộc thành phố. “Nếu như vậy thì không khác gì “bình mới rượu cũ”, không tương xứng với đặc thù, điều kiện phát triển của thành phố thuộc thành phố và đi lại “vết xe” của thành phố Thủ Đức hiện vẫn đang loay hoay câu chuyện cơ chế.

Cùng quan điểm này, PGS, TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, thẩm quyền cho thành phố thuộc thành phố Hà Nội phải cao hơn thẩm quyền cấp huyện để tạo tiền đề bứt phá. Vì vậy, đối với thành phố trực thuộc Thủ đô, cần tăng tính chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân, tổ chức chính quyền địa phương thuộc Thủ đô sao cho năng động, hiệu quả; cho phép thành phố chủ động giao biên chế đủ bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước.

Nhận định việc thành lập cấp chính quyền thành phố trực thuộc thành phố là một trong các cơ chế đặc thù, song bà Đàm Thị Diễm Hạnh (Trường đại học Mở Hà Nội) cho rằng, dung lượng về quy định này còn khiêm tốn và tính đặc thù của mô hình này so với cấp chính quyền quận, huyện chưa nổi bật.

“Chính quyền thành phố thuộc Thủ đô chỉ được thực hiện hai nhiệm vụ (khác so với chính quyền quận, huyện) về mặt tổ chức là điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thuộc Thủ đô và tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan chuyên môn thuộc thành phố là chưa tương xứng với vai trò, vị trí, đặc thù”, bà Hạnh nhận xét.

Chú trọng các quy định phân quyền tối đa

Quan điểm được xác định ngay từ những bước đầu tiên của quá trình đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội khác với pháp luật hiện hành hoặc chưa có quy định, để khai thác tốt các thế mạnh của Thủ đô.

Xuất phát từ quan điểm đó, trong hệ thống chín chính sách được đề xuất tại Luật Thủ đô (sửa đổi), có bảy chính sách liên quan phân cấp, phân quyền và các chính sách đặc thù, vượt trội trong lĩnh vực quản lý đô thị, nông thôn, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và liên kết vùng.

PGS, TS Trần Thị Diệu Oanh (Học viện Hành chính quốc gia) cho rằng, để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Thủ đô, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Hà Nội, nhất là về biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập; có chính sách trọng dụng nhân tài, thành lập cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp đặc thù...

Theo bà Oanh, ngoài việc ủy quyền theo nguyên tắc chung quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nên mở rộng việc phân cấp, ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội. Trong đó, quy định UBND thành phố Hà Nội phân cấp hoặc ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn cho các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã...

Quá trình xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc để bảo đảm đồng bộ với các quy định hiện hành như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội... Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rất rõ về phân cấp, ủy quyền, vì vậy dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chỉ nên quy định các vấn đề khác nhau, trong đó chú trọng các quy định mang tính phân quyền tối đa để tạo thuận lợi cho thành phố Hà Nội.

Một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện thiếu vắng các quy định về mối quan hệ giữa chính quyền các cấp thành phố Hà Nội với các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn. Do đó, cần tăng cường chức năng đại diện giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc cấp phường theo hướng mở rộng quyền hạn cho Mặt trận Tổ quốc phù hợp với mô hình chính quyền đô thị...

(Còn nữa)