Bài 4: Cần nhiều cơ chế riêng, đặc thù
Tổ chức cán bộ, biên chế và công tác cán bộ là một trong những vấn đề cơ bản của tổ chức chính quyền mỗi địa phương. Tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), lần đầu tiên có quy định về tổ chức chính quyền tại thành phố Hà Nội; trong đó, trao quyền cho thành phố được quyết định một số vấn đề về tổ chức bộ máy, biên chế và công tác cán bộ.
Có cơ chế riêng về trọng dụng nhân tài
PGS, TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn kinh tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung cho Hà Nội cơ chế riêng về bổ nhiệm, cho thôi chức đối với cán bộ chủ chốt là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Cơ chế bổ nhiệm này cần có sự đột phá, quy trình bổ nhiệm phải nhanh. Tương tự, về cơ chế cho thôi chức cán bộ, bà An cũng đề nghị cho Hà Nội được chủ động xử lý cán bộ né tránh, ngại làm, không muốn làm, không vì dân... mà không cần đợi quy trình xử lý như hiện hành.
Từ thực tế tổng kết công tác thi hành Luật Thủ đô cho thấy, việc thu hút nhân tài của thành phố thời gian qua chưa hiệu quả do thiếu trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, Lê Xuân Rao cho rằng: Luật Thủ đô (sửa đổi) nên tập trung vào chính sách, cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tập trung vào một số lĩnh vực cần nhân lực có chuyên môn sâu, cao như: lĩnh vực quy hoạch quản lý đô thị, giao thông đô thị và quản lý xử lý môi trường, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ...
TS Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội đề nghị nghiên cứu mở rộng đối tượng thuộc diện thu hút, không chỉ khoanh vùng là “nhân tài” và trong lĩnh vực khoa học-công nghệ như quy định hiện hành, mà mở rộng tới các đối tượng là chuyên gia quốc tế, người có tài năng trong khu vực tư, Việt kiều, du học sinh trở về phục vụ đất nước...
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước đối với nhân tài theo hướng tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền Thủ đô. Cụ thể, thành phố được ký hợp đồng và quyết định mức lương, chế độ đãi ngộ với một số vị trí, việc làm; quyết định sử dụng ngân sách thành phố chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ là nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó phải hướng tới việc tạo môi trường làm việc bảo đảm nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển nhân tài.
Tránh chồng chéo, lãng phí trong sử dụng nhân lực
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thì cho rằng, môi trường Thủ đô phải coi là một điểm nhấn trong Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này để giải quyết các vấn đề cụ thể: Nước, không khí, chất thải rắn...
Tuy nhiên, trong chín nhóm chính sách được nhấn mạnh trong xây dựng Luật, không có chính sách riêng nào cho vấn đề môi trường Thủ đô, mà nằm rải rác, mờ nhạt hoặc chung chung ở các chính sách khác, thậm chí thiếu vắng trong nhiều đề xuất cơ chế đặc thù. Không thấy bóng dáng cơ chế đặc thù vượt trội ở đâu so với các luật hiện hành, cụ thể là Luật Bảo vệ môi trường 2020 để giải quyết các vấn đề nan giải của thành phố về nước thải sinh hoạt, chất lượng nước các dòng sông; vấn đề chất lượng không khí và các nguồn thải; vấn đề rác thải sinh hoạt...
Ông đề nghị nên đánh giá cụ thể vướng mắc về mặt chính sách, thể chế liên quan đến môi trường nước, không khí, chất thải rắn trên cơ sở nghiên cứu kỹ Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và một số văn bản liên quan khác. Đồng thời đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể đặc thù, nổi trội khác biệt để giải quyết các vấn đề ở mức luật và các văn bản dưới luật.
Liên quan đến quy định về phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, một phương án được tính đến là chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học.
Quy định này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, cần cân nhắc kỹ việc này, bởi việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân.
GS, TS, Bác sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Y Hà Nội cho rằng, cần phải đặt bệnh viện các trường đại học y trên địa bàn là ưu tiên số 1, vì các bệnh viện thực hành của các trường đại học y sẽ là nơi đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao, ứng dụng và chuyển giao công nghệ y tế mới không chỉ cho Hà Nội, mà cho toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.
Hà Nội cần phải ban hành các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao của đất nước thuộc các bệnh viện, trường đại học y dược trực thuộc Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội. “Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc Trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội.
Các chính sách này không chỉ giúp Hà Nội tận dụng được đội ngũ trí thức có trình độ chuyên môn cao nhất của đất nước, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí”, ông Văn nêu quan điểm.
(Còn nữa)
(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 18, 22 và 25/8/2023.