Chuẩn bị nhân lực có bản lĩnh, trình độ, hiểu về Thủ đô
Luật Thủ đô 2024 tạo điều kiện chủ động cho Hà Nội trong quản lý, điều hành với hàng loạt các quy định phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Tiếp thêm năng lượng cho Hà Nội phát triển
Theo Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Nội vụ: Trong các chính sách đột phá, vượt trội để phát triển thành phố Hà Nội, thì các quy định về mô hình tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cùng với chế độ công vụ, công chức; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền là những điểm nhấn chính sách quan trọng bậc nhất trong các chính sách trên.
Các chính sách này được thực hiện tốt, hiệu quả sẽ là đòn bẩy, là động lực và là nền tảng để thực hiện các chính sách về xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nếu không chuẩn hoặc thiếu chú ý thì các chính sách phục vụ cho phát triển Thủ đô sẽ không thực hiện hiệu quả được.
“Luật Thủ đô lần này đã quy định nhiều điểm mới, so với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, các quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức,... thể hiện rất rõ nét tính vượt trội, đột phá” - Tiến sĩ Trần Anh Tuấn nhận định.
![]() |
Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học triển khai Luật Thủ đô 2024. |
Ngoài ra, để bảo đảm việc giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền, Luật giao Hội đồng nhân dân thành phố quy định chi tiết phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền cho công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, được phân cấp, ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; Ủy ban nhân dân thành phố ban hành văn bản quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết công việc phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền bảo đảm yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, không quy định thêm thành phần hồ sơ, không tăng thêm yêu cầu, điều kiện, thời gian giải quyết thủ tục đang áp dụng (khoản 6, khoản 7 Điều 14).
Đây có thể sẽ là điểm đột phá giúp Thủ đô đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, qua đó góp phần tích cực trong việc làm tăng độ hài lòng, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, giúp Thủ đô ngày càng trở thành một nơi đáng sống.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, chủ trương có đi vào cuộc sống được không phải thông qua việc thực hiện của con người. Do vậy, thành phố cần chuẩn bị một lực lượng để đón nhận. Lực lượng này phải có sự hiểu biết, nắm chắc Luật, đồng thời hiểu rõ tình hình của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay và tới đây. Đặc biệt, việc chuẩn bị nhân lực phải từ thành phố tới tận cơ sở để cho việc vận dụng Luật Thủ đô ở các lĩnh vực được hiệu quả, bởi chính họ sẽ hiểu rõ lĩnh vực của mình, biết đâu là điểm cần đột phá. Hà Nội cũng cần rà soát ngay đội ngũ cán bộ, thiếu đâu thì bổ sung đó, chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ trình độ, tinh thông nghiệp vụ và tâm huyết với Thủ đô để khai thác hết lợi thế của Luật Thủ đô, để áp dụng Luật vào cuộc sống một cách hiệu quả…
Theo Tiến sĩ Lê Phương Linh, Phó trưởng Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong: Để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống, trước tiên, cần quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm các cấp, các ngành và địa phương trong thi hành Luật. Với mỗi nội dung chính sách đặc thù thành phố đều cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi không chỉ trên báo chí, truyền thông mà cần cụ thể đến từng địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội, nghề nghiệp, nhân dân, các cơ quan Nhà nước và cả các tỉnh trong vùng. Cùng đó, quán triệt, phổ biến Luật và các văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện tới các cấp ủy, các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân với đa dạng hình thức như hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phát tài liệu...
Trách nhiệm lớn lao
Nắm trong tay “cơ hội vàng”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đứng trước trách nhiệm lớn lao đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống.
Cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội đã và đang thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao. Từ trước khi Luật Thủ đô được thông qua, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố cùng các đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật.

Bài 2: Tập trung tháo gỡ các “nút thắt”
Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập Tổ công tác và Tổ giúp việc triển khai thi hành Luật Thủ đô. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh là Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô.
Thành phố cũng đã triển khai tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Thủ đô, đồng thời sẽ phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.
![]() |
Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến Luật Thủ đô 2024. |
Hiện, việc triển khai thực hiện Luật Thủ đô đang diễn ra rất khẩn trương, thể hiện trách nhiệm cao. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố đang xây dựng dự thảo 114 văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó có 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt; có 87 văn bản là Nghị quyết do Hội đồng nhân dân thành phố ban hành và 27 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân thành phố.
2 kỳ họp chuyên đề và các kỳ họp thường kỳ trong năm 2024-2025 gắn với kế hoạch, lộ trình thông qua các văn bản thi hành Luật Thủ đô cũng đã được xác định.
Cụ thể, năm 2024 dự kiến ban hành 39 văn bản, các văn bản còn lại được ban hành trong năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tại kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua 11 nghị quyết quy phạm pháp luật để triển khai, thi hành Luật Thủ đô gồm các nhóm vấn đề liên quan đến tổ chức, bộ máy; các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công, các công trình kiến trúc có giá trị, hạ tầng văn hoá, thể thao của thành phố; Quy định áp dụng các biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với các công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh có vi phạm…
Thành phố cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó tập trung trong năm 2024 và các năm tiếp theo; cao điểm tuyên truyền, tập huấn vào quý III, quý IV/2024 và quý I, II/ 2025 với quan điểm các cấp, ngành, mỗi cán bộ, công chức của TP phải nắm vững tư tưởng, quan điểm, tinh thần của Luật Thủ đô; hiểu rõ được các quy định cụ thể cũng như mối quan hệ giữa các quy định của Luật trong tổng thể chung của hệ thống pháp luật.
Luật Thủ đô 2024 mang đến “thời cơ vàng” cho Hà Nội phát triển. Nhưng “thời cơ vàng” có biến thành trái ngọt hay không phụ thuộc chủ yếu vào quá trình cụ thể hóa, triển khai đưa Luật vào cuộc sống.
Đây là nhiệm vụ không đơn giản, đòi hỏi không chỉ sự chủ động, quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội, mà cần cả vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của nhân dân Thủ đô và cả nước.