Bài 1: Cơ chế mới cần hành động mới
Luật Thủ đô 2024 được ban hành đáp ứng niềm mong chờ, khát khao của thành phố Hà Nội bấy lâu nay; được giới chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao về tính khả thi, khả năng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiếp thêm năng lượng cho Hà Nội phát triển.
Bổ sung cơ sở pháp lý vững chắc
Từ Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến nay, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến Thủ đô Hà Nội; ban hành nhiều nghị quyết để xây dựng và phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh, giàu mạnh; gần đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 về “Phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị tuyên truyền Luật Thủ đô
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...
Để tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW, Luật Thủ đô 2024 đã nhanh chóng được xây dựng, hoàn thiện và được thông qua tại Kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV.
Luật đã thể chế hóa nhiều cơ chế, chính sách mới, phân quyền, phân cấp mạnh mẽ cho Thủ đô trên tất cả các lĩnh vực. So với luật ban hành năm 2012, Luật Thủ đô 2024 gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012), đã được bổ sung đồng bộ, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình mới; các quy định về tài chính-ngân sách; quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị; khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo; liên kết, phát triển vùng... cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện.
Theo đánh giá chung, Luật Thủ đô 2024 là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ phát triển Thủ đô theo các định hướng của Đảng thông qua các cơ chế đặc thù, đột phá; đồng thời khắc phục cơ bản những hạn chế của Luật Thủ đô 2012, nhất là đã xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Thủ đô 2024 với các luật hiện hành có liên quan và các luật ban hành sau ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực về cùng một vấn đề.
Luật Thủ đô 2024 còn thể chế hóa đầy đủ những yêu cầu then chốt của Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức chính quyền Thủ đô đồng thời luật hóa các quy định đã được qua kiểm nghiệm thực tế là phù hợp của các nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác.
Đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư phát triển
Ngoài các quy định tạo điều kiện chủ động cho Hà Nội trong quản lý, điều hành với hàng loạt các quy định phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, điểm nhấn nổi bật là Luật Thủ đô năm 2024 thực sự đã mở ra cơ hội lớn cho Hà Nội đẩy mạnh quy hoạch và đầu tư phát triển. Theo đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.
Trong đó, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách thành phố Hà Nội, ngân sách trung ương trích 30% của số tăng thu để thưởng cho ngân sách thành phố. Cùng với việc gia tăng nguồn lực, Luật cho phép Hà Nội đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD (Transit Oriented Development-Phát triển dựa vào mạng lưới giao thông).
Luật Thủ đô 2024 cho phép thành phố Hà Nội đầu tư phát triển đường sắt đô thị được ưu tiên áp dụng mô hình TOD, sẽ là “cú huých” cho phát triển giao thông, đô thị Hà Nội. |
Trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Mô hình TOD được khẳng định sẽ là “cú huých” cho phát triển giao thông, đô thị Hà Nội trong tương lai.
Luật Thủ đô còn tháo gỡ một trong những cơ chế quan trọng nhất để thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông lớn, đó là cho phép “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công” (Điều 43).
Đặc biệt, Luật Thủ đô còn mở thông cơ hội quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Hà Nội theo hướng “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, hiện thực hóa 2 quy hoạch lớn mà Hà Nội xây dựng song song với quy trình xây dựng Luật Thủ đô.
Đó là Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Luật còn quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống đem lại điều kiện chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất rộng lớn ở khu vực bãi sông.
Đây là kết quả làm thỏa mãn niềm mong chờ, khát khao của Hà Nội bấy lâu nay; được giới chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao về tính khả thi, khả năng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, tiếp thêm năng lượng cho Hà Nội phát triển.