Nhân lên khối đại đoàn kết từ sức mạnh nhân dân (Tiếp theo và hết)(*)

Bài 2: Sáng tạo trong thực tiễn cuộc sống mới

Với vai trò trung tâm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện tốt sự kết nối để các hoạt động, phong trào trong nhân dân tiếp tục "đơm hoa kết trái". Tuy nhiên, trước những thay đổi của cuộc sống hiện đại, thực tế cũng cho thấy, để đạt được những kết quả tích cực hơn, cán bộ Mặt trận cần thay đổi trong cách tiếp cận, hình thức tổ chức thực hiện…
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tặng phương tiện sinh kế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh MTTQ thành phố)
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố tặng phương tiện sinh kế cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh MTTQ thành phố)

Nhiệm vụ trung tâm của Mặt trận là tiếp tục tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, nhiều bài toán về đổi mới hoạt động đã được đặt ra và cần ứng dụng vào thực tiễn một cách sáng tạo, sát với đời sống của nhân dân.

Sức lan tỏa còn hạn chế

Nhiều năm qua, số lượng các hoạt động để tập hợp, nhân lên sức mạnh, tinh thần trong nhân dân là rất lớn. Từ Mặt trận các cấp, các phong trào, mô hình được tạo lập sinh động, thực tiễn trong đời sống. Ý nghĩa hơn, tất cả các mô hình, phong trào đều đặt nhân dân ở vị trí trung tâm đúng với phương châm "dân làm dân thụ hưởng". Đơn cử, công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của thành phố được Mặt trận các cấp thực hiện đa dạng, sáng tạo. Điều đó được minh chứng rõ nhất trong tâm dịch Covid-19 vừa qua. Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ủng hộ, đóng góp hơn 1.490 tỷ đồng tiền mặt; hàng hóa trị giá 350 tỷ đồng; trang thiết bị y tế hơn 3.000 tỷ đồng;... Câu chuyện về cụ bà Nguyễn Thị Thảo, 77 tuổi, ngụ khu phố 5, phường 6, quận 5, khi thành phố vận động ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch, cụ đã đóng góp toàn bộ số tiền mọi người phúng điếu chồng cụ vừa mất; hay như câu chuyện của ba mẹ con chị Ngô Thị Thúy Diễm, ngụ tổ 2, khu phố 2, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, khi thấy hai cô con gái quyết định đập heo tiết kiệm để ủng hộ kinh phí phòng, chống dịch, chị cũng quyết định trích khoản tiền lương giáo viên của mình để cùng các con đồng hành cùng thành phố trong giai đoạn "chống dịch như chống giặc". Còn mới đây, Quỹ Vì người nghèo thành phố có thêm 40 tỷ đồng để triển khai các công tác an sinh xã hội sau khi cuộc vận động của Mặt trận thành phố được triển khai. Đáng quý, sự đồng hành của doanh nghiệp, các nhà hảo tâm được thực hiện trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn sau nhiều biến cố do tác động của đại dịch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống Mặt trận cũng có một số hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân có lúc còn chưa kịp thời, thiếu chủ động để đề ra các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Việc phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên để thực hiện chương trình hành động nhiều địa phương chưa cụ thể, ảnh hưởng nhất định đến kết quả thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động. Công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài trên một số lĩnh vực, nội dung chưa được đồng bộ, kịp thời. Thực tế, đời sống đô thị sôi động, bận rộn cũng tác động đến suy nghĩ, thời gian tham gia các phong trào. Việc ứng dụng công nghệ vào công tác khảo sát, thu thập thông tin, công tác tuyên truyền chưa được thực hiện hiệu quả khiến công tác Mặt trận vẫn chưa "chạm" đến nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân lao động, người lao động nhập cư...

Cần những giải pháp mới

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh xác định: Công tác Mặt trận luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm để vừa khơi đúng sức dân, tạo ra những phong trào ý nghĩa, thiết thực phục vụ lại chính đời sống nhân dân. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Kim Yến cho biết: Mặt trận các cấp sẽ tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trung tâm là tăng cường xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận thành phố cũng xác định công tác Mặt trận đòi hỏi phải được nâng lên một tầm cao mới với yêu cầu không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, có kiến thức và năng lực công tác trong tình hình mới hiện nay.

Chia sẻ cùng cán bộ Mặt trận thành phố các cấp tại lễ họp mặt kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam; Ngày Truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2022) mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần làm tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chiến lược xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận cần phát huy vai trò chủ trì, tăng cường hiệp thương, mở rộng dân chủ, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội. Mặt trận phải là nơi mà mọi ngành, mọi giới, từ các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học đến các doanh nghiệp, hội đoàn, tổ chức xã hội và kiều bào ở nước ngoài đều có thể đến như ngôi nhà chung để đề đạt, hiến kế xây dựng đất nước, xây dựng thành phố.

Thời gian tới, Mặt trận cần thực hiện đổi mới công tác thu thập ý kiến, tập hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, nhất là trong việc tham gia xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách, thể chế và giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước thực thi công vụ, rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Đồng thời, nghiên cứu đa dạng hóa hình thức, thiết lập nhiều kênh thông tin linh hoạt hơn nữa để thu thập, lắng nghe ý kiến nhân dân. Tổ chức chăm lo hơn nữa công tác an sinh xã hội của thành phố. Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 đầy cam go, khốc liệt vừa qua, thành phố càng thấm thía hơn bài học về việc phải luôn chủ động và giữ vững trận địa an sinh xã hội. Từ đó, Mặt trận chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách, quy định củng cố lại hệ thống an sinh của thành phố, bảo đảm nguồn lực ổn định trên nền tảng "Nhà nước và nhân dân cùng làm", có cơ chế vận hành hiệu quả trên nền tảng công nghệ và dữ liệu quản lý dân cư tiên tiến. Đồng thời, nâng cao hiệu quả bảo trợ xã hội đối với các đối tượng đặc biệt, nhất là trẻ mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa, người chịu tác động trực tiếp của đại dịch…Mặt trận cũng cần tạo ra những khí thế mới, hình thức mới để phong trào thi đua ngày càng thiết thực, gần gũi, cụ thể, gắn với lợi ích xã hội và được đông đảo nhân dân quan tâm hưởng ứng.

----------------------------------

(*) Xem Trang Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 22/11/2022.