Nhân lên khối đại đoàn kết từ sức mạnh nhân dân

Với vai trò trung tâm đoàn kết, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh từ nhiều năm qua đã trở thành địa chỉ gắn kết, khơi lên nhiều mô hình, phong trào hiệu quả từ sự huy động sức dân. Vai trò đó càng đòi hỏi nhiều hơn sự nỗ lực từ những cán bộ làm công tác Mặt trận trong bối cảnh cuộc sống hiện đại ngày nay.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân quận Phú Nhuận tham gia thực hiện công trình xanh dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn.
Người dân quận Phú Nhuận tham gia thực hiện công trình xanh dọc tuyến đường sắt đi qua địa bàn.

Bài 1: Khơi đúng sức dân

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có đông dân số nhất cả nước, tập hợp lượng người dân các tỉnh, thành phố về làm việc, học tập rất lớn. Thực tế này vừa là lợi thế, vừa là thử thách của công tác Mặt trận trong tập hợp, nhân lên tinh thần đoàn kết trong nhân dân.

Thời gian qua trên địa bàn thành phố, qua công tác Mặt trận, mỗi địa phương, đơn vị với đặc thù của mình đều đã sáng tạo ra nhiều mô hình, giải pháp hay để gây dựng nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả cho cuộc sống.

Dân hiểu, dân đồng hành

Dọc hai bên tuyến đường sắt đi qua địa bàn quận Phú Nhuận (dài khoảng 1.700m) nhiều năm qua luôn trong tình trạng nhếch nhác, ô nhiễm vì bị biến thành nơi đổ rác, gây mất mỹ quan đô thị. Thậm chí, người dân còn mang những loại rác thải kích thước lớn như bàn ghế, nệm cao-su, kính vỡ,… vứt dọc hai bên hành lang. Tuy nhiên, từ gần một năm nay, những hình ảnh phản cảm đó không còn nữa khi các cán bộ, công chức, viên chức Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận chấn chỉnh và thực hiện công trình xanh. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận, Đặng Thị Lý cho biết: Quyết tâm làm công trình này, chúng tôi cũng thấy nhiều vấn đề khó thực hiện khi “thói quen” xả rác này đã tồn tại nhiều năm.

Hơn nữa, việc trồng và chăm sóc cây xanh ở khu vực đường sắt cũng chẳng dễ dàng gì. Tuy nhiên, chúng tôi quyết tâm làm cho bằng được. Hằng ngày, hằng tuần, cán bộ Mặt trận các đơn vị thay phiên nhau “tiền trạm”, gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương “xanh-sạch-đẹp” khu vực mình sinh sống. Theo bà Đặng Thị Lý, điều đáng mừng là khi các đơn vị triển khai công trình này, chính người dân sinh sống dọc hai bên tuyến đường sắt là những người ủng hộ, tham gia hàng chục ngày công để công trình sớm hoàn thành.

Nhiều người còn “cam kết” sẽ hằng ngày tưới nước, chăm bón cho các tiểu cảnh để chúng phát triển. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Phú Nhuận, đơn vị đã lên kế hoạch khảo sát những địa điểm phù hợp khác để nhân rộng mô hình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp, người dân trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ môi trường và phát triển mảng xanh trên địa bàn quận.

Nhắc lại khoảng thời gian khó khăn trong tâm dịch, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Quận 8 Trần Thanh Hà vẫn chưa quên được những ngày tháng khắc khoải chạy ngược, chạy xuôi để lo cái ăn, cái chữ cho hàng trăm trẻ em mồ côi sinh sống trên địa bàn quận. Dịch đi qua, nhiều học sinh đối diện với tương lai mờ mịt phía trước khi cha, mẹ không còn.

Không để các em phải thiệt thòi thêm nữa, ngay khi đại dịch tạm lắng xuống, lãnh đạo Quận 8 đã triển khai ngay Đề án về tổ chức chăm lo, hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Bà Trần Thanh Hà cho biết: Thời điểm gian khó mới thấy được tình cảm, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn trân quý nhường nào. Khi vận động, ai nấy cũng đều sẵn sàng chung tay để lo cho các cháu được tiếp tục đến trường, vui sống. Tính đến tháng 9/2022, Quận 8 đã chăm lo đầy đủ về giáo dục, cuộc sống (đạt tỷ lệ 100%) cho 369 trẻ em, học sinh dưới 18 tuổi bị mồ côi.

Đổi thay đời sống nhân dân

Hai câu chuyện cụ thể vừa nêu chỉ là con số nhỏ trong số hàng nghìn câu chuyện, phong trào đã được Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện trong suốt nhiều năm qua. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Trần Kim Yến cho biết: với nhiều cách làm hay, sáng tạo đã phát huy, khơi gợi sức mạnh, tinh thần đoàn kết các tầng lớp nhân dân tạo ra nhiều phong trào, chương trình thiết thực, mang nhiều ý nghĩa gắn bó thiết thực với đời sống nhân dân.

Quan trọng hơn, qua những hoạt động đó, tình đoàn kết, gắn bó của người dân ở các khu dân cư, cơ quan, đơn vị càng thêm sâu đậm, thắm thiết. Điều đó đã được kết tinh thành sức mạnh để tạo động lực, mục tiêu cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Chia sẻ trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tại khu dân cư năm 2022 mới đây, ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng Ấp 1, xã Bình Chánh cho biết: Một trong những kết quả phấn khởi nhất chúng tôi đạt được là tình làng nghĩa xóm, sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi có chuyện vui, buồn giữa người dân trong ấp luôn thể hiện rất rõ.

Đời sống dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bà con vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp các phong trào, chương trình vì an sinh xã hội. Đến nay, qua bình xét hơn 1.300 hộ thì có đến 98,71% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tham dự “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” mới đây cùng bà con khu phố 2, phường 11, quận 8, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ niềm vui trước sự đổi thay về đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Điều đó được khẳng định qua các mô hình lấy sức dân chăm lo cho dân như “Hộ khá giúp hộ khó”, đóng góp kinh phí chăm lo an sinh xã hội, chăm lo trẻ mồ côi, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế,… được triển khai đồng đều, hiệu quả ở cả 22 tổ dân phố.

Nhiều tuần qua, hàng nghìn khu phố, ấp trên địa bàn thành phố nô nức tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi đời sống người dân thành phố đang có những hồi phục nhanh sau những khốc liệt của đại dịch.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đánh giá, việc tổ chức ngày hội không chỉ là dịp ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận, khơi dậy tinh thần đoàn kết của nhân dân mà còn nhằm đúc kết việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua. Ngày hội đem lại giá trị tinh thần cho người dân thành phố, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, bồi đắp tình yêu thành phố trong mỗi người dân. Ý nghĩa đó trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân.

(Còn nữa)