Bạc Liêu vẫn còn thiếu hàng trăm giáo viên các cấp

NDO - Khó khăn, hạn chế lớn nhất trong năm học mới 2024-2025 của Bạc Liêu là tình trạng thiếu hàng trăm giáo viên, nhưng công tác tuyển dụng chưa thể triển khai thực hiện theo kế hoạch do phải chờ Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Các đơn vị trong ngành giáo dục-đào tạo Bạc Liêu có thành tích xuất sắc được Ủy ban nhân tỉnh trao tặng bằng khen. (Ảnh: TRỌNG DUY)
Các đơn vị trong ngành giáo dục-đào tạo Bạc Liêu có thành tích xuất sắc được Ủy ban nhân tỉnh trao tặng bằng khen. (Ảnh: TRỌNG DUY)

Chiều 22/8, tỉnh Bạc Liêu tổ chức tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu, năm học qua, ngành đã thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Việc bố trí, phân bổ ngân sách nhà nước và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành... được triển khai thực hiện đạt kết quả đáng ghi nhận.

Tính đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Bạc Liêu có 283 cơ sở giáo dục; hơn 162.000 học sinh, học viên; có 7.680 nhà giáo đã qua tuyển dụng. Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc chủ yếu như: Tỉnh vẫn còn thiếu hàng trăm giáo viên nhưng công tác tuyển dụng chưa thể triển khai thực hiện theo kế hoạch do phải chờ Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Để bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, các cơ sở giáo dục phải phân công giáo viên dạy tăng giờ hoặc thỉnh giảng giáo viên ngoài nhà trường. Tuy nhiên, dự toán giao bổ sung thiếu biên chế được tính trên cơ sở mức lương khởi điểm có hệ số 2,34 nhưng thực tế kinh phí chi trả tiền tăng giờ, thỉnh giảng lại cao hơn rất nhiều so với mức lương khởi điểm, nên dự toán giao bổ sung không đủ để chi trả cho giáo viên.

Đặc biệt, các trường thuộc địa bàn vùng sâu, vùng khó khăn, kinh phí hoạt động thường xuyên được giao hằng năm không thể bảo đảm bù đắp cho khoản tiền tăng giờ, thỉnh giảng của đơn vị.

Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi mầm non đã được cải thiện đáng kể từ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, địa phương nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học, vẫn còn một số sân chơi ở điểm lẻ thiếu thiết bị đồ chơi ngoài trời, một số nhóm, lớp dưới 5 tuổi còn thiếu đồ dùng, đồ chơi tối thiểu so với quy định.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở một số trường còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ cập 2018, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục và tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục-Đào tạo Bạc Liêu, tiến độ biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh còn chậm so với lộ trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ cập 2018 của Bộ Giáo dục Đào tạo và gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xuất bản. Nguyên nhân chủ yếu là Bộ Giáo dục-Đào tạo chưa ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy trình thực hiện việc tổ chức in ấn, phát hành...