Quyết tâm xây dựng Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh phát triển

Những ngày cuối năm 2023, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức công bố Quyết định số 1598/QĐ-TTg ngày 08/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ hai từ trái qua) với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. (Ảnh TRỌNG DUY)
Đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu (thứ hai từ trái qua) với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. (Ảnh TRỌNG DUY)

Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, đồng chí PHẠM VĂN THIỀU, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về nội dung này.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho bạn đọc của Báo Nhân Dân biết một vài nét khái quát và nổi bật nhất về quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050?

Đồng chí PHẠM VĂN THIỀU: Những ngày cuối năm 2023, đầu Xuân Giáp Thìn 2024, một thông tin quan trọng và vui đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, đó là tỉnh đã chính thức công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Có thể nói, đây là sự kiện rất quan trọng, thu hút sự quan tâm không chỉ của cán bộ, Nhân dân trong tỉnh, đặc biệt còn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đây cũng có thể ví như “kim chỉ nam”, là mục tiêu, định hướng để tỉnh phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Căn cứ vào mục tiêu, định hướng chiến lược đó, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trong tỉnh đã và đang ra sức phấn đấu xây dựng Bạc Liêu sớm thật sự trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường thiên nhiên được bảo vệ và phát triển; xã hội phát triển hài hòa, đời sống Nhân dân được nâng cao; quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

Theo đó, về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 9,5-10,5%/năm; quy mô GRDP năm 2030 gấp 3,5-4 lần so với năm 2020.

Cơ cấu kinh tế: Khu vực nông-lâm-ngư nghiệp khoảng 29,0%; khu vực công nghiệp-xây dựng khoảng 36,4%; khu vực dịch vụ khoảng 32,0%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm...

Phóng viên: Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể cho biết cụ thể hơn về mục tiêu, định hướng phát triển “3 trụ cột chính” của Bạc Liêu như thế nào?

Đồng chí PHẠM VĂN THIỀU: Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển của tỉnh Bạc Liêu là: Khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng nổi trội hướng vào phát triển 3 trụ cột chính là công nghiệp năng lượng tái tạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản; du lịch.

Phát triển nhanh, đồng bộ tiểu vùng kinh tế trọng điểm nam Quốc lộ 1, các hành lang kinh tế, các trục liên kết kinh tế và các đô thị đóng vai trò là cực tăng trưởng quan trọng.

Tỉnh phát triển nuôi trồng thủy sản an toàn quy mô lớn, công nghệ cao, xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm quốc gia; đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và du lịch.

Đặc biệt, tỉnh quan tâm, chú trọng phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới, đầu tư, xây dựng Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu công suất 3.200 MW gắn với xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ.

Phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi; thu hút đầu tư, phát triển nguồn năng lượng mới (Hydro xanh, Amoniac xanh), đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.

Tỉnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh; đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh cao.

Xây dựng các khu du lịch trọng điểm ven biển có quy mô ngang tầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, đặc biệt là đầu tư phát triển khu vực tiềm năng về du lịch trên địa bàn thành phố Bạc Liêu và vùng lân cận như các huyện vùng ven biển là Hòa Bình, Đông Hải, để bảo đảm đủ điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia.

Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế gắn với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh...

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, bước sang mùa Xuân mới Giáp Thìn 2024, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm chỉ đạo như thế nào, nhằm đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời, tỉnh có giải pháp hiện thực hóa quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ như thế nào, nhằm đáp ứng yêu cầu, sự kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh và cả nước?

Đồng chí PHẠM VĂN THIỀU: Khép lại năm 2023, Bạc Liêu có 18/21 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt hơn 34.487,23 tỷ đồng, tăng hơn 7,24% so năm 2022.

Tổng sản phẩm GRDP bình quân đầu người đạt hơn 66,41 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và 05/13 tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đáng mừng nêu trên, thực tế hiện nay một số lĩnh vực của tỉnh vẫn còn hạn chế, cụ thể như tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp so kế hoạch được giao.

Một số công trình, dự án trọng điểm hoàn thành chậm tiến độ. Hoạt động xuất khẩu tuy có cải thiện nhưng còn chậm, kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh đến nay vẫn chưa có. Đáng lưu ý, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vẫn còn ở thứ hạng thấp (xếp 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước). Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn còn cao (năm 2023 có 250 doanh nghiệp rút khỏi thị trường)...

Tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, đồng chí Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng thời bản thân tôi đã có ý kiến phát biểu, nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và quyết tâm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phải nỗ lực thật cao, nhằm hiện thực hóa quyết định quy hoạch nêu trên.

Từ sự nỗ lực cao và những thành tựu rất đáng mừng, cũng như một số mặt còn hạn chế nêu trên, bước sang Xuân mới Giáp Thìn 2024, chúng tôi mong các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể trong tỉnh cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm.

Đặc biệt, từng đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh cần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung, vì sự phát triển của tỉnh.

Mặt khác, Thường trực Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, nhằm đưa Bạc Liêu thật sự tạo đột phá mới trong năm 2024 này. Đồng thời, tỉnh đang rất quyết tâm hiện thực hóa Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Bạc Liêu phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, phát triển đột phá các ngành kinh tế biển, nhất là kinh tế thủy sản, năng lượng tái tạo, du lịch.

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; các lĩnh vực văn hóa-xã hội phát triển hài hòa, toàn diện; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao...

Một mùa Xuân mới Giáp Thìn 2024 đã và đang về. Tôi mong sao bước vào Xuân mới này, Bạc Liêu có thêm năng lượng mới, động lực mới để thật sự tạo đột phá mới!

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!