Bắc Giang tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu xuân

NDO - Ngày 9/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Giang) tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu xuân Quý Mão năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 500 lao động trực tiếp tham gia tìm việc làm.
Phiên giao dịch việc làm thu hút hơn 500 lao động trực tiếp tham gia tìm việc làm.

Phiên khai xuân năm nay kết nối trực tuyến với 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Giang.

Trực tiếp tham gia phiên giao dịch có gần 500 lao động, sinh viên một số trường nghề trong tỉnh đến tìm hiểu thông tin, phỏng vấn, ứng tuyển vào các vị trí phù hợp.

Trước đó đã có 158 doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đăng ký tham gia tuyển khoảng 55.700 lao động, tập trung chủ yếu ở các ngành, nghề: điện tử, may mặc, cơ khí.

Trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đăng thông tin vị trí việc làm cần tuyển, mức lương, thưởng, chế độ phúc lợi xã hội để lao động lựa chọn.

Tại điểm cầu ở Bắc Giang có 8 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp đăng ký tuyển hơn 44.000 lao động.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kết nối cung-cầu lao động, tạo ra sự phát triển ổn định của thị trường lao động.

Năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang đã tổ chức được 90 phiên giao dịch việc làm, đạt 118% kế hoạch. Trong đó, có 51 phiên định kỳ, 8 phiên chuyên đề, 16 phiên lưu động, còn lại là các phiên online.

Các phiên giao dịch đã tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động cho hơn 22,2 nghìn người.

Dự báo trong quý I/2023, các doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển dụng gần 28 nghìn lao động, chủ yếu là lao động phổ thông của ngành điện tử, sản xuất nhựa, may mặc.

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, lạm phát toàn cầu, một số doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, cho công nhân nghỉ việc luân phiên.

Trong bối cảnh khó khăn này, để ổn định thị trường, cân bằng cung-cầu lao động trung tâm tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức, nội dung của các phiên giao dịch việc làm theo hướng chuyên sâu, theo nhóm nghề cụ thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kết nối; liên kết chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.