Ba Vì bảo tồn, phát huy giá trị nghề thuốc nam

Khu vực các xã miền núi của huyện Ba Vì (Hà Nội) không chỉ có cảnh quan thiên nhiên đẹp, mà còn ẩn chứa nét đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Một trong số đó là tri thức của người Dao về nghề thuốc nam. Hiện nay, thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị nghề thuốc nam. Điển hình là đưa vào khai thác mô hình du lịch cộng đồng tại bản Miền (thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì).
0:00 / 0:00
0:00
Ba Vì bảo tồn, phát huy giá trị nghề thuốc nam

Dãy núi Ba Vì xanh thẳm là nơi cư trú nhiều đời của cộng đồng người Dao, người Mường trên địa bàn Thủ đô. Từ lâu, chuyện những “ông lang”, “bà lang” người Dao chuyên làm nghề thuốc nam đã được biết đến cả trong và ngoài nước. Điều đó bắt nguồn từ chính điều kiện tự nhiên nơi đây. Thiên nhiên ban tặng cho Ba Vì hình thái khí hậu khá đặc biệt, quanh năm mát mẻ. Đây là điều thuận lợi giúp nhiều loại dược liệu phát triển. Nhờ thế, trong khi ở nhiều nơi, sản xuất dược liệu phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thì cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Ba Vì hoàn toàn chỉ sử dụng nguyên liệu tại chỗ. Theo thống kê của các nhà khoa học, khu vực núi Ba Vì hiện có hơn 500 loài dược liệu khác nhau, trong đó có những loài quý hiếm, đặc hữu. Cộng đồng người Dao đã tích lũy được tri thức dân gian trong nhiều thế kỷ để hình thành nên các bài thuốc hữu hiệu. Ông Dương Trung Thân, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì) là người có nhiều năm làm nghề thuốc nam cho biết: Theo lời kể của các cụ, hàng trăm năm trước, người Dao di cư từ nơi khác đến định cư ở sườn Tây dãy núi Ba Vì. Các cụ đã sử dụng các vị thuốc trong thiên nhiên để chữa trị nhiều loại bệnh và truyền lại cho đến ngày nay.

Trên thực tế, thời kỳ bao cấp và những năm đầu đổi mới, nghề thuốc nam chưa được coi trọng. Khi ấy, người dân tập trung sản xuất cây lương thực để bảo đảm nhu cầu cuộc sống. Các bài thuốc chủ yếu tồn tại trong các gia đình, dòng họ. Nhiều người chưa hiểu giá trị của thuốc nam Ba Vì còn kỳ thị, gọi những người làm thuốc là “lang băm”. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bài thuốc nam của người Dao được phát huy. Trước đây, bà con sống dựa vào khai thác thì nay, do việc quản lý, bảo vệ rừng được coi trọng, bà con chuyển sang trồng thuốc nam, với những khu vườn, vườn rừng lớn. Việc trồng, chế biến, sử dụng các bài thuốc nam trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ gia đình tại Ba Vì, đặc biệt là khu vực xã Ba Vì. Nghề thuốc nam phát triển ở cả ba thôn của xã Ba Vì với khoảng trên 80% số gia đình trồng, thu hái, sơ chế, chữa bệnh từ các cây dược liệu. Trong đó, thôn Yên Sơn có khoảng 250/250 hộ đều làm nghề thuốc và thôn được công nhận là Làng nghề thuốc nam; thôn Hợp Sơn có 271 hộ làm nghề thuốc…

Để “chuẩn hóa” hoạt động sản xuất, chế biến, sử dụng thuốc nam, Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì đã hỗ trợ các hộ gia đình tập hợp lại thành các hợp tác xã để cùng hợp tác, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu. Toàn xã hiện có chín hợp tác xã. Trước kia, các loại cây sử dụng làm thuốc thường được dùng tươi hoặc phơi khô, nấu lấy nước tắm hoặc uống. Còn ngày nay, cây thuốc lấy ở rừng về được sơ chế thành năm loại gồm: Thuốc khô, cao, thuốc nhỏ, thuốc đắp, thuốc bột. Các cơ sở chế biến đã có nhiều cải tiến, nâng cấp sản phẩm khi sơ chế, đóng gói… Trong đó, quy mô lớn nhất là Hợp tác xã Nam dược Tản Viên Sơn với hơn 30 lao động. Lương y Lăng Thị Châm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chia sẻ: “Từ chỗ sản xuất thủ công, hiện nay, từ các vị thuốc truyền thống, Hợp tác xã đưa vào quy trình sản xuất hiện đại, khép kín hoàn toàn. Nhiều bài thuốc xưa được chế biến thành dạng thuốc đóng gói sẵn, nấu thành cao cô đặc… để có thể tiêu thụ rộng rãi”.

Mới đây, để tiếp tục nâng tầm cho nghề thuốc nam người Dao, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì triển khai mô hình du lịch cộng đồng bản Miền tại thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì). Tham gia hoạt động du lịch cộng đồng tại đây, du khách được tham gia quá trình chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược như: Trải nghiệm chăm sóc da bằng thảo dược; cách dùng thảo dược trong gội đầu dưỡng sinh; cách dùng men ngải quế trong việc điều trị cổ vai gáy, trải nghiệm chăm sóc cổ vai gáy và toàn thân theo phương thức cổ truyền; trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao… Khách du lịch cũng có những trải nghiệm văn hóa khác như tham gia các trò chơi dân gian; tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo được bà con lưu truyền nhiều đời; tham quan mua sắm thảo dược tươi và các sản phẩm từ thảo dược; thưởng thức ẩm thực của người Dao.

Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh cho rằng: Mô hình du lịch cộng đồng góp phần giới thiệu văn hóa bản địa cũng như giúp làng nghề thuốc nam của người Dao Ba Vì phát triển tốt, tạo sinh kế bền vững cho bà con. Điểm nhấn trong mô hình là bảo tồn văn hóa của đồng bào người Dao, bảo tồn làng nghề thuốc nam để gắn kết đồng bào với nhau, tạo sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, tạo sự liên kết để mọi người cùng chung tay thực hiện ■